Cho vay làm nhà tránh bão lũ đạt hiệu quả cao

Thực hiện Quyết định số 716 ngày 14/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thí điểm giải pháp hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó lũ lụt vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, tỉnh Quảng Nam đã chọn hai huyện Đại Lộc và Điện Bàn để làm thí điểm. Sau các trận lũ lụt vừa qua, mô hình nhà tránh bão lũ đã khẳng định được ưu thế.

Giao dịch tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Nam.


Nằm dọc theo hai bên bờ sông Vu Gia và Thu Bồn, xã Đại Lãnh (huyện Đại Lộc) và các xã Điện Hồng, Điện Phước (huyện Điện Bàn) được tỉnh Quảng Nam xác định là vùng rốn lũ. Do ở vùng trũng thấp nên mỗi lần làm nhà bà con buộc phải đắp nền cao hơn mực nước lũ từ 1 đến 2 m. Cách làm này tuy tránh được lũ nhỏ nhưng do nền nhà cao dẫn đến kém an toàn trong gió bão và chi phí lớn nên không phải gia đình nào làm cũng được. Mô hình nhà tránh lũ ra đời gắn liền với việc hỗ trợ vốn vay ưu đãi, kinh phí hỗ trợ của địa phương và cộng đồng không những góp phần nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở cho bà con vùng ngập lũ mà còn tạo điều kiện cho nhiều hộ nghèo cải thiện được chỗ ở cho gia đình.


Nhà tránh lũ cho hộ nghèo được xây dựng theo kết cấu gồm một gian dưới, sàn đổ bê tông có diện tích tối thiểu là 10 m2, độ cao của sàn cách mực nước lũ từ 1,5 đến 3 m, mái nhà lợp tôn, nền tráng xi măng, tường xây gạch. Trên gác mỗi căn nhà đều có cửa thoát hiểm để thoát ra ngoài khi có lũ lớn bất thường. Khi có lũ, người trong gia đình và tài sản có giá trị được đưa lên gác an toàn. Theo tính toán ban đầu, kinh phí xây dựng mỗi căn nhà tránh lũ khoảng 30 triệu đồng; trong đó Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 10 triệu đồng với lãi suất ưu đãi, địa phương hỗ trợ 10 triệu đồng và hộ hưởng lợi vận động cộng đồng, người thân hỗ trợ, đóng góp 10 triệu đồng. Tuy nhiên trong thực tế thì kinh phí để xây dựng, ngày công lao động được gia đình người hưởng lợi đóng góp cao hơn nhiều và nhờ tận dụng được nguồn vật tư tại chỗ nên nhà tránh lũ cũng bề thế hơn, vững chãi hơn.


Là một trong những hộ thuộc diện nghèo được chính quyền địa phương chọn làm thí điểm xây dựng nhà tránh bão lũ an toàn, anh Nguyễn Phúc Phận, xã Điện Phước, huyện Điện Bàn, tâm sự: Trước đây do nhà ở chưa được xây dựng kiên cố, nền nhà chưa được tôn cao nên cứ đến mùa mưa lũ là cả gia đình anh buộc phải đến ở nhờ nhà bà con trong xóm. Nay có nhà mới, cuộc sống của gia đình anh đã ổn định và hoàn toàn yên tâm trong mùa mưa bão. Cũng thuộc diện nghèo như hộ gia đình anh Nguyễn Phúc Phận, gia đình chị Lê Thị Nga, xã Điện Phước, huyện Điện Bàn, cho hay, trong những ngày bão lũ vừa qua, nhờ có nhà ở tránh bão lũ nên gia đình và tài sản có gía trị đều được đưa lên gác an toàn, không còn cảnh phải chạy lũ như những năm trước.


Ông Đào Cúc, Chủ tịch UBND xã Điện Phước, huyện Điện Bàn nhận xét: Thực tế cho thấy mô hình này đã phát huy được ưu điểm trong việc đảm bảo chỗ ở an toàn cho người dân, nhất là đối với những hộ nghèo, hộ gìa yếu neo đơn trong mùa mưa bão.


Còn ông Lê Hùng Lam, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Nam cho biết, qua kiểm tra cho thấy việc sử dụng vốn vay sử dụng mô hình nhà ở tránh bão lũ an toàn cho hộ nghèo đạt hiệu quả thiết thực. Với nhà ở tránh bão lũ an toàn, người dân đã thật sự chủ động trong việc phòng chống lụt bão, đảm bảo an toàn cho người và bảo vệ được tài sản. Trong thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để góp phần nhân rộng mô hình này trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là đối với hộ nghèo chưa có điều kiện cải thiện nhà ở.

Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ đề nghị ban hành chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh lũ, lụt khu vực miền Trung. Đề án này có điều chỉnh, bổ sung một số quy định so với Quyết định 716 để phù hợp hơn với thực tế. Theo đó, những hộ thuộc diện đối tượng chính sách nếu có nhu cầu vay vốn thì được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay ưu đãi với mức tối đa là 15 triệu đồng/hộ. Thời gian thực hiện trong 2 năm (2014 - 2015), trong đó năm 2014 hỗ trợ cho khoảng 15.000 hộ nghèo, với số vốn ngân sách nhà nước khoảng 156 tỷ đồng. Số còn lại (khoảng trên 25.000 hộ) sẽ triển khai thực hiện trong năm 2015. Sau khi hoàn thành việc hỗ trợ cho các hộ nghèo, căn cứ tình hình thực tế sẽ đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện hỗ trợ đối với những hộ thuộc diện cận nghèo (hơn 36.400 hộ).


Đoàn Hữu Trung

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN