Vậy là điều mà người dân Mỹ lo sợ trong suốt những ngày qua đã thành hiện thực, đúng 0 giờ ngày 1/10 (giờ Mỹ, tức 11 giờ trưa ngày 1/10 - giờ Hà Nội), chính phủ liên bang Mỹ đã buộc phải ngừng hoạt động vì hết ngân sách. Đây cũng là kết cục tất yếu, không bất ngờ và phản ánh một điều rằng mâu thuẫn giữa đảng Cộng hòa đang kiểm soát Hạ viện và đảng Dân chủ chiếm đa số tại Thượng viện về các chính sách điều hành đất nước đã lên đến đỉnh điểm.
“Tại anh, tại ả”
Trước thời điểm trên chỉ vài giờ đồng hồ, với 54 phiếu thuận và 46 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã lần thứ ba bác bỏ dự luật ngân sách khẩn cấp do Hạ viện gửi lên do nội dung không bao gồm ngân sách cho chương trình cải tổ y tế của chính quyền Tổng thống Barack Obama, thường được gọi là Obamacare. Diễn biến này không gây sốc bởi trước đó, lãnh đạo phe Dân chủ chiếm đa số tại Thượng viện đã tuyên bố rằng mọi đề xuất nếu không bao gồm ngân sách cho chương trình Obamacare sẽ bị Thượng viện bác bỏ, bất chấp việc đó khiến một bộ phận công sở liên bang phải ngừng hoạt động.
Chính phủ Mỹ phải ngừng hoạt động một phần vì hết tiền. |
10 phút trước nửa đêm ngày 30/9, văn phòng ngân sách Nhà Trắng đã phát một lệnh yêu cầu nhiều cơ quan chính phủ bắt đầu đóng cửa. Theo đó, 800.000 nhân viên liên bang không có nhiệm vụ cần thiết bắt đầu nghỉ phép không lương; các công viên, bảo tàng quốc gia đóng cửa không đón du khách.
Sau khi không thể cứu vãn được tình thế và không biết chính phủ sẽ phải đóng cửa đến bao giờ, phe Dân chủ và Cộng hòa tại Hạ viện tiếp tục trò chơi đổ lỗi “tại anh, tại ả”, trong đó bên này đá quả bóng trách nhiệm cho bên kia.
Tổng thống Obama cáo buộc phe Cộng hòa đã dùng luật ngân sách để tống tiền đòi chính phủ rút lại chương trình cải cách y tế. Mà cụ thể, ông Obama nêu rõ rằng lỗi thuộc về các nghị sĩ Cộng hòa được bầu vào Hạ viện nhờ sự hỗ trợ của đảng Trà (Tea Party) - đảng vốn tìm mọi cách để bãi bỏ Obamacare vì cho rằng nó lãng phí. Ông Obama cho rằng do quá “chịu ơn” của đảng Trà, các nghị sĩ này đã ủng hộ mọi hành động làm tổn hại đến Obamacare.
Trong khi đó, phe Cộng hòa phản pháo rằng, chính Tổng thống Obama và lãnh đạo phe Dân chủ đa số tại Thượng viện Harry Reid mới là người chịu trách nhiệm vì đã không chấp nhận thương lượng. Trước đó, tối 30/9, sau khi phe Cộng hòa tại Hạ viện đưa ra đề nghị đàm phán để phá vỡ bế tắc, ông Reid đã bác bỏ ý tưởng này và cho rằng, đảng Dân chủ sẽ không thương lượng với “một khẩu súng kề đầu” như vậy.
Trước đó, hồi tháng 8/2013, Bộ Tài chính Mỹ đã cảnh báo rằng chính phủ Mỹ sẽ chạm mức trần nợ công 16.700 tỷ USD vào giữa tháng 10, đồng thời kêu gọi quốc hội nâng trần nợ công để tránh nguy cơ chính phủ bị đóng cửa vì hết tiền. Tuy nhiên, quốc hội đã không thống nhất được một dự luật ngân sách cho năm tài khóa mới bắt đầu từ ngày 1/10 do chia rẽ giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Thị trường diễn biến trái chiều
Giá dầu thế giới tiếp tục giảm sâu phiên 1/10 sau khi chính phủ Mỹ bị đóng cửa một phần. Lúc giữa phiên tại London, giá dầu Brent giao tháng 11 giảm 36 xu, còn 108,01 USD/thùng. Trước đó, giá dầu Brent còn xuống dưới 108 USD/thùng, mức thấp nhất trong 7 tuần qua. Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 11 tại New York giảm 17 xu còn 102,16 USD/thùng.
Ông Myrto Sokou, chuyên gia nghiên cứu cao cấp thuộc công ty môi giới Sucden ở London, nhận định: Giá dầu trong phiên 1/10 chịu áp lực mới vì việc chính phủ Mỹ bị đóng cửa khiến giới đầu tư lo ngại mức cầu về dầu sẽ giảm.
Đồng USD trong phiên 1/10 cũng giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 8 tháng qua so với đồng euro và và đồng yen. Theo các chuyên gia, tâm lý của giới đầu tư là trong ngắn hạn, tốt hơn hết là tránh đầu tư vào USD.
Trái với xu hướng giảm giá của dầu và USD, vàng và các TTCK lại đi theo xu hướng tăng. Lo ngại sự phục hồi kinh tế Mỹ sẽ bị ảnh hưởng bởi chính phủ Mỹ ngừng hoạt động, giới đầu tư tăng cường mua vào vàng, khiến giá kim loại này tăng cao, dù không bằng lần đóng cửa năm 1996.
Trong khi đó, các TTCK Mỹ lại đồng loạt xanh sàn mà theo một nhà chiến lược chứng khoán Mỹ, nguyên nhân là giới đầu tư hi vọng tình trạng đóng cửa này chỉ là tạm thời và không phải là gánh nặng gì đáng kể cho chứng khoán.
Hoàng Dương (tổng hợp)