Bản ở xa trường, những bàn chân nhỏ theo đường rừng xuống núi học chữ tại các phân hiệu. Thương học trò nghèo nên thầy cô “khăn gói” lên núi “cắm bản” để dạy chữ. Đó là câu chuyện với bao điều thao thức ở những điểm trường vùng cao.
Lớp học giữa “biển sương”
Trường Y Tý II (Bát Xát - Lào Cai) có phân hiệu là trường Hồng Ngài, cách điểm trường chính trên 10 km dốc núi hiểm trở. Ngược đường dốc núi lên bản Hồng Ngài, bản xa nhất, cao nhất và mờ sương nhất của Y Tý mới biết nơi đây thật khắc nghiệt. Tiết trời mù mịt sương, chiều đến, mây sa xuống mặt đất, cái lạnh thấu da thịt. Để đi đến Hồng Ngài, từ trung tâm xã Y Tý, chúng tôi phải đi qua các bản như Lao Chải 1, Lao Chải 2, Sim San 1, Sim San 2. Phân hiệu trường tiểu học Hồng Ngài của điểm trường Y Tý II là nơi con em người Hà Nhì học tập. Trẻ em của ba bản xa là Sim San I, Sim San II và bản Hồng Ngài được học ngay tại đây.
Điểm trường tiểu học Đồng Sơn tại bản Bến Thân. |
Lớp học ở đây đơn sơ quá. Sau chiếc cổng chào làm bằng khung gỗ là dãy nhà ba gian đắp đất theo kiểu nhà trình tường của người Hà Nhì và cột cờ gỗ với lá cờ đỏ bay trong gió sương. Lớp học có bàn ghế nhưng đều đã cũ. Mới nhất là chiếc bảng từ đóng trên tường. Mái của lớp học lợp prô xi măng nhưng xung quanh thì trống tuyềnh, sương bay vào mù mịt. Vì vậy, chẳng cần có điện, lớp học vẫn sáng bừng. Ở phân hiệu Hồng Ngài ít học sinh lắm, toàn con em người Hà Nhì nhưng vẫn có đủ 5 khối lớp từ lớp 1 đến lớp 5, kèm theo một lớp mầm non. Tuy có 5 khối lớp nhưng chỉ có hai giáo viên đứng lớp cộng với một giáo viên mầm non. Hai giáo viên ở phân hiệu này phải xoay xở đến chóng mặt mới có thể lên lớp cho đủ 5 khối lớp ghép của một buổi học. Lớp học 3 gian nhà trình tường được chia làm hai nửa ngồi chéo nhau để học bài theo mô hình “lớp nhô”. Học trò ở đây tuy gặp nhiều khó khăn nhưng rất hiếu học và thích đến trường học chữ. Các thầy giáo ở phân hiệu cho biết, vào mùa đông, trời rét thấu xương, nhìn bọn trẻ áo rét phong phanh, chân đất, mi mắt và tóc trắng xóa sương mù thấy thương vô cùng.
Điều kiện cho chuyện học chữ đã khó, đời sống của người dân Hà Nhì còn khó khăn hơn nhiều. Đỉnh núi cao mờ sương này điện chưa về, nước sạch thì khan hiếm nên giáo viên cắm bản để dạy chữ hết sức nhọc nhằn. Đường dốc núi hiểm trở, sương mù mịt, mưa trơn hơn đổ mỡ, đến con ngựa cũng chùn chân huống chi xe máy. Những dịp Tết về quê sum họp gia đình, thầy cô phải chuẩn bị khá kỹ và lên trả phép đúng hẹn. Còn hàng ngày, việc sinh hoạt đều phụ thuộc vào thức ăn dự trữ hàng tháng trời như cá khô, lạc, muối vừng.
Những năm gần đây, tận dụng thời tiết lạnh giá, người Hà Nhì ở Hồng Ngài đã đưa cây thảo quả về trồng trên núi cao. Có thảo quả, bán được thêm đồng tiền, hy vọng người dân nơi đây sẽ có điều kiện để chăm lo chuyện học chữ của con em mình. Hồng Ngài vẫn cần sự quan tâm hơn nữa của Nhà nước để mai này con chữ sẽ làm bừng sáng cuộc sống nơi đây.
Thương lắm Bến Thân!
Từ bao đời nay, dưới chân núi Cấn, ngọn núi cao và xa nhất tỉnh Phú Thọ, có một bản người Dao định cư và sinh sống. Đó là bản Bến Thân (Đồng Sơn - Tân Sơn - Phú Thọ). Cách trung tâm huyện Tân Sơn gần 30 km đường đèo dốc, cách trung tâm xã Đồng Sơn gần chục cây số, bản Bến Thân xa tắp phía núi Cấn cao sừng sững nơi lưng trời. Bản nghèo, con chữ và chuyện học chữ nơi đây cũng khá nhọc nhằn. Những năm trước đây, vào mỗi vụ giáp hạt, thiếu ăn, thiếu mặc, trẻ em Bến Thân bỏ học nhiều. Cũng phải thôi, bởi khi cái bụng còn chưa no thì làm sao có thể học được chữ. Trẻ bỏ học lên núi theo cha mẹ đi làm nương rồi vào rừng đào củ mài, củ đao về chống đói.
Mỗi năm ở Bến Thân có gần 100 em học sinh ở các cấp học. Cũng may là trường mầm non và trường tiểu học dựng phân hiệu ngay tại bản để bọn trẻ được đi học. Lúc đầu, lớp học chỉ làm bằng tre nứa tạm bợ nên rất đơn sơ. Phòng ở của thầy cô cắm bản cũng tềnh toàng không kém. Điểm trường chỉ cách con suối khoảng 30 m, những ngày mùa đông, trời dày đặc sương mù, ngủ dậy, quờ tay ra là có thể vơ được sương rồi. Chính vì vậy, thầy cô lên bản dạy học cũng khá vất vả, cộng với việc học trò nghèo, thường hay bỏ học nên phải vận động các em đến lớp.
Thầy Nguyễn Khánh Tường - Hiệu trưởng trường tiểu học Đồng Sơn cho biết hiện nay điểm trường Bến Thân đã được xây dựng phòng học và phòng ở cho giáo viên cắm bản nên đỡ đi sự vất vả. Hơn nữa, Nhà nước có chính sách hỗ trợ học phí, sách giáo khoa và đồ dùng học tập cho học sinh nên bọn trẻ bớt được những khoản đóng góp. Năm học này, điểm trường Bến Thân có 2 lớp ghép và hai lớp đơn với 64 học sinh. Hai thầy cô cắm bản dạy chữ ở đây. Tuy trường gần bản nhưng sĩ số học sinh cũng có hôm vắng bởi bọn trẻ hay theo bố mẹ lên nương rẫy. Bây giờ có đường bê tông rồi, thầy cô đỡ vất vả hơn, có khi dạy xong vẫn có thể về nhà được.
Tuy xa, tuy khó khăn, những đứa trẻ ở Bến Thân như Lý Thị Bồng, Lý Văn Mưu, Lý Thị Mây và nhiều đứa trẻ ở bản Dao này với khuôn mặt nhuốm đượm sương mù kia vẫn ham học lắm. Trưởng bản Lý Văn Theng và thầy giáo Hiệu trưởng Nguyễn Khánh Tường cho biết bọn trẻ ở Bến Thân rất thích đi học, chúng chỉ nghỉ khi nhà quá khó khăn. Biết học trò ham học, mỗi dịp đầu năm học và cuối năm, thầy cô lại đến thăm và vận động, trao tặng sách giáo khoa để các em yên tâm đến trường.
Chống Chùa trên đỉnh Tà Cao
Phân hiệu trường Chống Chùa là điểm trường xa trung tâm và khó khăn nhất ở xã Tà Xi Láng (Trạm Tấu - Yên Bái). Ở đây, độ cao của Chống Chùa tới 1.600 m so với mực nước biển do vậy khí hậu ở đây giống như Sa Pa của Lào Cai, quanh năm mây mù bao phủ. Có ngày nhiệt độ xuống tới 5 độ, lạnh thấu xương. Chống Chùa có gần 50 hộ dân, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao. Cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào trồng lúa, ngô một vụ, cùng với chăn nuôi lợn, gà nhưng cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn lắm. Theo lời kể của dân bản, có những năm lạnh quá, trâu và ngựa chết rét nhiều. Vậy mà ở điểm trường này, những đứa trẻ với quần áo mỏng, chân không giầy, không tất, đầu không mũ ấm vẫn vượt sương, vượt dốc đến trường học chữ. Có những ngày mưa rét, thầy cô phải đốt đống lửa ở sân trường để các em đến sưởi ấm cơ thể trước khi vào lớp. Ai cũng chuyên tâm cho công tác chuyên môn mặc dù dạy chữ là nghề của thầy cô giáo nhưng dạy chữ ở Chống Chùa khó vô vàn. Bọn trẻ 100% là dân tộc Mông nên chúng chỉ biết nói tiếng Mông mà thôi. Dạy đến lớp 3 mà các em mới chỉ “bập bẹ” tiếng phổ thông.
Khi đến phân hiệu Chống Chùa, khó ai có thể tin được lớp học lụp xụp được dựng bằng tre nứa và ván ghép kia là phòng học. Vậy mà, từ bao năm nay, bọn trẻ Mông ở đỉnh Tà Cao này vẫn lấy đó là mái ấm ươm mầm con chữ.
Tuy còn nhiều khó khăn nhưng theo lãnh đạo trường tiểu học và THCS Tà Xi Láng, học sinh ở phân hiệu Chống Chùa rất chăm học và duy trì tốt độ chuyên cần. Các thầy cô giáo được phân công lên đỉnh Tà Cao dạy học tuy ban đầu có buồn nhưng càng thêm quyết tâm khi biết hoàn cảnh của học trò và đời sống của dân bản nơi đây còn nhiều khó khăn.
Bài và ảnh: Nguyễn Thế Lượng