Cây đại thụ ấy là nghệ nhân Thạch Tư (ảnh), ở khóm 4, thị trấn Châu Thành (Trà Vinh).Năm 1963 , theo truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer, chàng trai 16 tuổi Thạch Tư xin vào chùa Kompong Chrây (chùa Hang), tại thị trấn Châu Thành để tu học. Cùng thời gian này, chùa Kompong Chrây trùng tu và mời nghệ nhân Nguyễn Ngọc Chấn, quê ở xã Đại An, huyện Trà Cú (Trà Vinh) về đảm nhận việc tạc tượng Phật, các vị thần và vẽ các hoa văn cho ngôi Chánh điện. Vốn yêu thích nghệ thuật điêu khắc, hội họa, Thạch Tư mạnh dạn xin thầy Chấn nhận làm học trò. Nhận thấy lòng đam mê và năng khiếu về nghệ thuật của vị sư trẻ Thạch Tư, nghệ nhân Nguyễn Ngọc Chấn đã nhận lời. Sau 4 năm cần mẫn học đạo, học nghề, Thạch Tư hoàn tục và bắt tay vào cuộc mưu sinh bằng chính nghề mình đã học.
Lúc đầu, cơ sở tạc tượng, điêu khắc của ông chủ yếu nhận đơn đặt hàng từ các ngôi chùa Khmer trong tỉnh Trà Vinh. Sau vài năm, nhờ sức sáng tạo phong phú và tính nghệ thuật của tác phẩm làm ra, tiếng tăm của ông đã vang xa khắp các tỉnh, thành Tây Nam Bộ. Theo yêu cầu của các chùa, ông có thể tạc đến 8 tư thế của Phật khác nhau, từ tư thế phật nằm nghiêng, đến ngồi… với nhiều kích cỡ, mà vẫn đảm bảo không sai lệch tính chất truyền thống. Tính đến nay, nghệ nhân Thạch Tư đã tạc và điêu khắc trên 200 tượng Phật Thích Ca và hàng trăm tác phẩm về các vị thần, tứ linh, 12 con giáp… cho các chùa Khmer trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh nghề tạc tượng, điêu khắc, nghệ nhân Thạch Tư còn có thêm tài viết chữ trên lá buông rất đẹp. Đây là cách lưu truyền khá phổ biến các loại tài liệu, kinh kệ ở các chùa Khmer trước đây. Hiện nay, kinh viết trên lá buông không còn phổ biến nhưng vẫn còn nhiều chùa sử dụng nhờ độ bền của nó.
Bài và ảnh: Phúc Sơn