Các đầu báo, tạp chí cấp phát miễn phí cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi đặc biệt khó khăn, cơ bản đều có nội dung, chất lượng tuyên truyền về công tác dân tộc, an sinh xã hội và gương người tốt, việc tốt. Trong đó, báo Tin Tức là tờ báo có tính chất cầu thị và trọng thị để nâng cao chất lượng nội dung phù hợp với nhiệm vụ tuyên truyền và yêu cầu của độc giả.
Về hình thức, báo Tin Tức cần cho chữ to hơn để bà con dễ đọc, báo cần mở chuyên trang dân tộc và miền núi, đưa nhiều hình ảnh sinh động vào nội dung; cần có nhiều bài viết phản ánh về gương người tốt, việc tốt, gương người làm kinh tế giỏi vượt lên thoát nghèo làm giàu cho gia đình và quê hương. Bà con ở vùng khó đọc và thấy phù hợp thì học, làm theo... Qua gần hai năm theo dõi, tôi cho rằng báo Tin Tức có sự tôn trọng ý kiến của các tỉnh để đổi mới cách trình bày và nội dung tuyên truyền.
Báo không chỉ lấy ý kiến ở Lai Châu mà cả các tỉnh Sơn La, Cao Bằng, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La và nhiều tỉnh khác, điều này không phải báo nào cũng làm được. Như vậy, sự kết hợp, trao đổi hài hòa giữa cơ quan phát hành, cấp ấn phẩm và cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực dân tộc sẽ thuận hơn, hiệu quả hơn. Tòa soạn cũng nên xem xét cách trình bày và nội dung đã phù hợp chưa, báo có được bà con đón đọc không và học hỏi được gì từ việc đọc báo...
Để việc tuyên truyền hiệu quả và gần gũi thiết thực với đời sống thì báo Tin Tức cần có nhiều bài phản ánh về mọi mặt của xã hội, đặc biệt là tin, bài về vùng đặc biệt khó khăn mà bà con dân tộc thiểu số đã nỗ lực cố gắng vươn lên, cổ vũ những tấm gương về người hiến đất xây công trình công cộng của xã, của bản góp phần xây dựng nông thôn mới, các mô hình làm kinh tế giỏi... mọi người đọc báo hiếu kì tự đặt câu hỏi “Sao người ta giống mình mà người ta lại làm được thế, mình sao không làm được?”. Từ đó, đồng bào dân tộc mới ý thức, tự lực để học và làm theo, dần dần mô hình sẽ được nhân rộng và thấy được hiệu quả rõ nét từ công tác tuyên truyền.
Bà Lò Thị Vương, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lai Châu
Việt Hoàng(ghi)