Cấp xã “nặng gánh” bảo vệ thực vật

Dự án Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật (xây dựng từ Pháp lệnh Bảo vệ và kiểm dịch thực vật) được đưa ra Quốc hội thảo luận trong ngày hôm nay (29/9). Tuy nhiên, một số điều khoản trong dự án luật này, như việc giao trách nhiệm cho cấp xã, quy định về điều kiện bán thuốc… còn có ý kiến nhiều chiều.


Giao trách nhiệm cho cấp xã


Hiện nay, tại các vùng nông thôn, sau khi phun xong thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cho lúa, rau màu, người dân thường vứt bao bì, túi ni lông, chai lọ đựng thuốc bừa bãi. Thực trạng này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe cho người sử dụng, gây mất an toàn thực phẩm. Khắc phục tình trạng này, theo dự án luật, Chủ tịch UBND cấp xã có nhiệm vụ quy định địa điểm thu gom bao bì thuốc BVTV. Nhiều ý kiến cho rằng, giao cho cấp xã làm việc này là không hợp lý; sẽ gây khó cho cấp xã, mà hiệu quả lại không cao.

 

Thuốc bảo vệ thực vật đang là vấn đề nóng trong lĩnh vực môi trường và an toàn thực phẩm. Duy Khương- TTXVN

Thậm chí, nếu thu gom, bảo quản không đúng quy trình, có thể gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, dự án luật lại không đề cập đến trách nhiệm của cấp huyện, cấp tỉnh trong việc này. Theo bà Bùi Thị An (Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường), dự án luật nên quy định Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm quy hoạch địa điểm thu gom bao bì thuốc ở các cấp quốc gia, vùng, tỉnh, huyện; chứ không thể giao cho cấp xã.


Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NN&PTNT), Chủ tịch UBND cấp xã quy định địa điểm thu gom là hợp lý nhất. Theo đó, mỗi cánh đồng sẽ có một địa điểm thu gom. Một xã có 5 cánh đồng thì có 5 địa điểm thu gom. Các địa điểm này được xây bằng bê tông, có mái che. Còn việc xử lý bao bì sẽ được giao cho một trong số 20 công ty có đủ điều kiện (được Bộ NN&PTNT chỉ định) tiêu hủy. Kinh phí tiêu hủy do UBND tỉnh, thành phố cấp, chứ không lấy từ ngân sách của cấp xã.

Tổng kiểm tra việc kinh doanh thuốc BVTV

Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát vừa có văn bản yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo sở NN&PTNT, UBND cấp huyện, xã đồng loạt tiến hành tổng kiểm tra trên diện rộng các cơ sở kinh doanh thuốc BVTV. Nội dung kiểm tra gồm: việc ghi nhãn các loại thuốc đang lưu hành, truy xuất nguồn gốc của thuốc, lấy mẫu gửi về các phòng thử nghiệm để kiểm tra chất lượng thuốc của các doanh nghiệp vi phạm nhiều lần về chất lượng.

Những trường hợp vi phạm nặng, vi phạm nhiều lần nhưng không chịu khắc phục sẽ bị đình chỉ sản xuất, kinh doanh. Những loại thuốc BVTV giả, không rõ nguồn gốc, không có trong danh mục được phép sử dụng sẽ bị tịch thu và tiêu hủy.


Dự án luật cũng quy định, các xã có tỷ trọng nông nghiệp lớn phải bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác BVTV, lấy từ nguồn biên chế của địa phương. Có ý kiến cho rằng, biên chế hành chính của địa phương hiện gánh quá nhiều thứ nên việc quy định như vậy là thiếu khả thi. Hiện nay, có nhiều luật mới ban hành quy định hệ thống cơ quan ngành dọc có chân rết ở tận cấp xã (ví dụ như thanh tra xây dựng); nay lại có thêm ngành BVTV. Nếu tổ chức như vậy sẽ khiến bộ máy chính quyền cấp xã phình to, cồng kềnh. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Phụng (Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) lại cho rằng, nên bố trí cán bộ chuyên trách theo hướng như vậy. Thực tế, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung, dư lượng thuốc trừ sâu trên thực vật nói riêng nhận được sự quan tâm đặc biệt của người tiêu dùng. Nếu cấp xã có cán bộ phụ trách về lĩnh vực này thì sẽ giúp hạn chế được tình trạng dư lượng thuốc trừ sâu trong rau củ quả vượt mức cho phép.


Muốn bán thuốc, chỉ cần qua lớp bồi dưỡng


Điều 63 dự án luật nêu: Chủ cơ sở buôn bán thuốc và người trực tiếp bán thuốc BVTV phải có trình độ trung cấp nông lâm nghiệp, trồng trọt, BVTV, sinh học, sư phạm nông nghiệp trở lên hoặc có giấy chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn về thuốc BVTV. Theo nhiều cử tri, nguyên nhân của hiện tượng kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV, kích thích sinh trưởng độc hại, tràn lan hiện nay một phần là do các chủ cơ sở thiếu trình độ. Đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, do đó, chủ cơ sở kinh doanh và người trực tiếp bán thuốc phải có trình độ trung cấp trở lên chứ không thể chỉ cần có giấy chứng nhận bồi dưỡng.


Không đồng tình với nhận định này, ông Nguyễn Xuân Hồng cho rằng, ở những tỉnh, thành đồng bằng, việc quy định chủ cơ sở, người bán thuốc có bằng trung cấp trở lên dễ khả thi. Thế nhưng, ở các xã vùng sâu, vùng xa mà quy định như vậy thì khó tìm ra người đủ điều kiện mở cơ sở kinh doanh và người bán thuốc BVTV. Hơn nữa, trên bao bì thuốc BVTV hiện ghi khá chi tiết công dụng, thành phần, cách sử dụng thuốc. Do vậy, theo ông Hồng, quy định như dự án luật là hợp lý.


Huyền Tím

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN