Sau khi báo Tin Tức đăng tải bài “Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ: Thi công ì ạch, đường xá bị cắt nát” phản ánh tình trạng dự án nâng cấp, mở rộng cao tốc này hiện có nhiều đoạn đã bị cào nát, biến thành nhiều “ ổ gà, ổ trâu”, gây khó khăn cho các phương tiện lưu thông, phóng viên báo Tin Tức - Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường (ảnh) về vấn đề này.
´Dự án nâng cấp, mở rộng cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ từ 4 làn lên 6 làn xe mặc dù được khởi công từ tháng 7/2014, nhưng đến nay vẫn ì ạch thi công. Dự án đang có vướng mắc gì, thưa Thứ trưởng?Dự án này vừa phải nâng cấp mở rộng, vừa phải đảm bảo khai thác vận tải trong quá trình nâng cấp, vì vậy, việc tổ chức thi công nhanh, đúng tiến độ đề ra là yêu cầu cấp bách, nhưng cũng là nhiệm vụ khó khăn đối với các nhà thầu. Bộ GTVT cũng đã phê bình chủ đầu tư để tình trạng này xảy ra. Trong hai tháng đầu triển khai, dự án gặp trở ngại về các nguồn vốn thực hiện, phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng và vốn huy động từ 3 liên danh nhà đầu tư BOT (Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Minh Phát, Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 1 (Cienco1), Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành) chậm giải ngân. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư vẫn đang theo dõi để xử lý triệt để nền đất yếu hệ thống cầu, cống, mố đường trên tuyến trước khi thi công, nhằm tránh tình trạng lún, nứt sau này.
Tuy nhiên, khi đi vào thi công từ 3 tháng qua, việc phối hợp thực hiện dự án giữa các nhà đầu tư và đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Thăng Long chưa tích cực, chưa khắc phục ngay việc chậm trễ điều chỉnh thiết kế, thay đổi kết cấu mặt đường, cung cấp nguyên vật liệu để các nhà thầu thi công... Những khó khăn này đã được Bộ GTVT xử lý.
´Vậy liệu dự án có đảm bảo tiến độ hoàn thành trước ngày 30/6/2015 theo mục tiêu đề ra không, thưa Thứ trưởng?Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ dài 29 km là tuyến đường huyết mạch cửa ngõ phía Nam Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nâng cấp, mở rộng từ 4 làn xe lên 6 làn xe, đạt vận tốc thiết kế 100 km/giờ chuẩn đường cao tốc, với tổng vốn đầu tư gần 6.700 tỷ đồng, được chia làm hai giai đoạn thi công kế tiếp nhau. Giai đoạn I cải tạo, nâng cấp yếu tố bình đồ và mặt cắt dọc, kết cấu mặt đường chính tuyến đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe cơ giới; tận dụng đường hiện tại với bề rộng nền đường 25 m và sẽ được thi công từ tháng 7/2014 đến tháng 6/2015. Giai đoạn II mở rộng đường cao tốc thành 6 làn xe; bề rộng nền đường 33,5 m, giải phóng mặt bằng và hoàn thành dự án vào năm 2017, đưa vào khai thác đầu năm 2018.
Ba liên danh nhà đầu tư đều là những đơn vị mạnh, có kinh nghiệm làm đường giao thông, nhất là đường cao tốc. Dự án này chia làm 5 gói thầu, Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành thi công gói thầu 1, 2; Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Minh Phát thi công gói thầu 3; Cienco 1 thi công gói thầu 4, 5. Qua thực tế, năng lực của các nhà đầu tư đã được chứng minh và hoàn toàn có thể đáp ứng đúng tiến độ đề ra.
´Bộ GTVT đặt mục tiêu như thế nào đối với các nhà đầu tư về tiến độ và chất lượng công trình này, thưa Thứ trưởng?Từ tháng 12/2014 là giai đoạn dự án thi công đồng loạt. Bộ đã yêu cầu đại diện chủ đầu tư và các nhà đầu tư phải lập tiến độ tổng thể từ nay đến trước Tết Âm lịch Ất Mùi 2015 và từ Tết Nguyên đán đến thời điểm 30/4/2015. Theo đó, đến trước Tết Âm lịch Ất Mùi, các nhà đầu tư phải cơ bản thảm xong lớp 1 mặt đường các gói thầu, lớp 2 có thể thảm từng đoạn dứt điểm sau khi xử lý nền đất yếu. Việc xử lý xong đất yếu cầu, cống, mố đường phải đảm bảo xong trước 30/4/2015, để sang tháng 5/2015 chỉ còn hoàn thiện và tổ chức khai thác thu phí, hoàn vốn. Tiến độ tổng thể và các phương án thi công của nhà đầu tư phải báo cáo chủ đầu tư làm căn cứ để Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông giám sát, phê duyệt và Bộ GTVT thông qua.
Về chất lượng công trình, Bộ GTVT đã yêu cầu hai đơn vị mạnh nhất của Bộ là Tổng Công ty tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) và Viện Khoa học và Công nghệ GTVT làm tư vấn, giám sát công nghệ, chủ động xử lý tất cả các vấn đề kỹ thuật của dự án, không để các nhà đầu tư phải mày mò kỹ thuật trong quá trình thi công. Trước dự án có nguồn vốn lớn như vậy, Bộ GTVT không chấp nhận thi công mà không đảm bảo chất lượng. Vì vậy, TEDI phải căn cứ vào địa chất, tình hình khai thác tuyến đường để lập báo cáo thiết kế chi tiết cho từng km đường, chứ không thiết kế cho 1 km để nhân lên cả tuyến đường. Tuyến đường này đưa vào khai thác từ 16 năm nay, có nhiều đoạn ổn định, nhưng cũng có đoạn đã phải bù phụ cả mét nhựa đường, nên độ lún rất đắt, phải xử lý triệt để từng km. Viện Khoa học và Công nghệ GTVT cũng phải cử cán bộ có kinh nghiệm về thi công đường cấp cao, xử lý mọi vấn đề quyết đoán nhanh ngay tại hiện trường, rà soát ngay các nền đất yếu, triển khai cấp phối vật liệu, tổ chức các dây chuyền thi công hợp lý ngay từ tuần tới. Trung tuần tháng 12/2014, các đơn vị thực hiện dự án đều phải có báo cáo tiến độ, để làm cơ sở cam kết vượt hay không vượt tiến độ, chất lượng công trình sau này.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!Tiến Hiếu (thực hiện)