Nghề chăn nuôi bò ở Cao Bằng tập trung chủ yếu ở các huyện vùng núi cao, có đồng bào dân tộc Mông sinh sống như Hà Quảng, Bảo Lâm, Bảo Lạc, Thông Nông, Nguyên Bình… Chính vì vậy, người ta hay gọi là bò Mông hay bò U. Giống bò này có trọng lượng sơ sinh đạt 15 - 16 kg/con; bò cái từ 250 - 270 kg/con, bò đực trưởng thành từ 380 - 390 kg/con, đặc biệt đã có con bò đực tại Hà Quảng nặng tới 650 kg. Thịt bò này mềm, màu đỏ tươi, vị ngọt và thơm đặc trưng.
Nghề chăn nuôi bò ở Cao Bằng tập trung chủ yếu ở các huyện vùng núi cao. |
Dự án Liên kết nông dân nghèo nông thôn với siêu thị và các kênh phân phối chất lượng cao do chính những người chăn nuôi lập ra, đã lựa chọn chuỗi giá trị bò do đồng bào Mông nuôi để tác động xây dựng mô hình nhóm sở thích chăn nuôi bò quy mô nhỏ liên kết được với thị trường tiêu thụ cao cấp, phù hợp với điều kiện chăn nuôi miền núi. Anh Lương Văn Sình, thuộc nhóm sở thích chăn nuôi bò thịt tại Ràng Khoen, xã Hạ Thôn, huyện Hà Quảng, cho biết: Khi được tập huấn quy trình kỹ thuật, thời gian vỗ béo cho bò đã giảm từ 6 tháng xuống còn 3 tháng; mỗi năm gia đình anh bán được 4 con bò, trừ chi phí còn khoảng 7 - 10 triệu.
Bảo Lâm là huyện có địa hình cực kỳ phức tạp và khó khăn nhưng lại có lợi thế về chăn nuôi gia súc, đặc biệt là trâu, bò. Trước đây chăn nuôi chủ yếu phụ thuộc vào đồng cỏ tự nhiên, thả rông, ảnh hưởng đến việc tăng đàn, gây khó khăn trong phòng, chống dịch bệnh. Huyện chưa có cơ chế, chính sách liên kết với các doanh nghiệp hình thành trang trại quy mô, tiêu thụ sản phẩm. Giá thu mua trên thị trường không ổn định, tư thương ép giá. Nhận thức được thực trạng này, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền quy hoạch vùng phát triển đi đôi với quy hoạch đồng cỏ chăn nuôi cụ thể, nhân rộng giống bò U địa phương bằng cách thụ tinh nhân tạo và chuyển giao bò đực giống. Khuyến khích các hộ chăn nuôi khai thác bãi chăn thả, khoanh vùng và cải tạo đồng cỏ tự nhiên, chế biến và bảo quản các loại phụ phẩm nông nghiệp để nâng cao khả năng tiêu hóa và kháng bệnh cho đàn gia súc; chủ động áp dụng các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn, phòng ngừa việc đưa gia súc, gia cầm mắc bệnh từ bên ngoài vào địa phương...
Đi đôi việc phát triển đàn gia súc, huyện chỉ đạo nhân dân trồng nhiều loại cỏ có năng suất cao làm thức ăn cho gia súc bằng việc giao chỉ tiêu kế hoạch vụ xuân và vụ mùa từng năm cho các xã, thị trấn. Từ đó, ngành chăn nuôi của huyện đã có chuyển biến tích cực. Tổng đàn gia súc tăng từ 39.375 con (năm 2010) lên 42.763 con (năm 2012). Trong đó nhiều hộ gia đình nuôi bò với số lượng lớn và cho thu nhập cao từ chăn nuôi như các ông: Phùng Văn Khấn, xóm Nà Cút, xã Thái Học, 65 con; Hoàng Văn Nó, xóm Phiêng Rỏng, xã Thạch Lâm có 120 con; Phương Văn Viện, xóm Bản Bún, xã Yên Thổ, 52 con; Anh Văn Chài, xóm Én Ngoại, xã Vĩnh Phong, 47 con... Ông Hoàng Văn Sinh, ở Nà Làng, xã Mông Ân cho biết: “Trước đây gia đình tôi chăn nuôi bò chủ yếu để lấy sức cày kéo, lấy phân bón cho cây trồng. Từ khi Nhà nước đầu tư xây dựng, nâng cấp đường, mở thêm nhiều chợ nên nhiều người từ các tỉnh khác đến mua trâu, bò nên tôi đã vận động gia đình đầu tư vốn trồng cỏ phát triển đàn bò. Hiện nay, tôi có 42 con bò, trừ chi phí mỗi năm gia đình cũng lãi ngót 100 triệu đồng”.
Ông Nguyễn Ngọc Quang, Bí thư Huyện ủy Bảo Lâm khẳng định: Trong thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo các địa phương tập trung các nguồn lực khai thác triệt để điều kiện tự nhiên, khí hậu, đất đai, đặc biệt là tiềm năng thế mạnh về kinh nghiệm chăn nuôi của bà con dân tộc Mông, Dao để tăng đàn gia súc trong hộ gia đình. Chuyển đổi một số diện tích đất nông nghiệp có hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cỏ chăn nuôi và thực hiện thí điểm vùng chuyên canh trồng cỏ chăn nuôi tại một số xã để nhân ra diện rộng. Tập trung tạo đà chuyển chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính của địa phương, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống nhân dân.
Chủ tịch Hội Chăn nuôi và tiêu thụ bò thịt Cao Bằng Lê Thị Thanh cho biết, đã có hàng chục tấn thịt bò của Cao Bằng được bán tại các siêu thị và bắt đầu có những chuyến hàng đầu tiên sang thị trường Trung Quốc. Vào thời điểm này đã có 570 hộ nuôi bò ở các huyện Hà Quảng, Nguyên Bình, Thông Nông, Bảo Lâm… tham gia Hội. Điều này đồng nghĩa với từng đó hộ gia đình được hưởng lợi từ dự án phát triển chuỗi giá trị. Với những chiến lược dài hơi, Hội đang có chính sách thu hút các nhóm tham gia vào chuỗi giá trị nhằm tạo nên sức mạnh, nguồn vốn, nguồn cung cấp đầu vào và bàn cách tiếp cận đầu ra. Con số 1.000 hộ gia đình trở thành thành viên được Hội đặt ra trong thời gian tới.
Bài và ảnh: Mạnh Hà