Cần nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả

Tại huyện miền núi Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi, các mô hình khuyến nông đã thể hiện được tính thích nghi, phát huy hiệu quả kinh tế, nhưng chưa được triển khai nhân rộng để giúp người dân thoát nghèo.


 

Vườn trồng hồ tiêu tại tỉnh Kiên Giang.

Cách đây gần 10 năm, huyện Sơn Tây được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi cũng như dự án xóa đói giảm nghèo, thuộc Chương trình 30a của Chính phủ, đầu tư mô hình thí điểm trồng cây chôm chôm xen ổi trên đất gò đồi. Mô hình được triển khai cho 5 hộ ở xã Sơn Dung, mỗi hộ trồng hơn 100 gốc chôm chôm. Cây chôm chôm đã ra quả sau hơn 5 năm phát triển, tuy nhiên hai năm trở lại đây mới thực sự cho quả nhiều và đạt năng suất cao, quả có vị ngọt thanh. Anh Đinh Văn Đạt, xã Sơn Dung cho biết: “Chôm chôm trồng ở đây phát triển tốt, cho quả nhiều, ăn lại rất ngon. Mỗi kg chôm chôm giá khoảng 15 - 18.000 đồng. Vì Trạm khuyến nông huyện thường xuyên hướng dẫn cách chăm sóc, bón phân, phòng trừ các loại sâu bệnh cũng như cách xử lý khi cây ra hoa để thụ phấn nhiều hơn nên tôi cũng không quá vất vả trong quá trình chăm sóc loại cây này. Cây chôm chôm chỉ trồng một lần mà cho thu hoạch lâu dài, lại khá hiệu quả nên nhiều gia đình cũng muốn trồng và đã đến tham khảo, nhưng khó khăn của việc nhân rộng là do thiếu vốn”.


Còn mô hình trồng hoa ly ở huyện Sơn Tây đã được người dân biết đến từ tháng 9/2010 với màu sắc hoa đẹp, bông dài. Sau khi trừ chi phí, bà con có thể thu lãi trên 10 triệu đồng cho 12 m2 trồng hoa. Thế nhưng, sau 3 năm trồng thí điểm, mô hình vẫn chưa thể nhân rộng ra vì thiếu kinh phí đầu tư. Ông Phạm Tấn Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây cho biết: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tìm mọi nguồn vốn, đặc biệt là sẽ kêu gọi, thu hút những nhà nông tâm huyết đến đầu tư trồng hoa ly trên địa bàn huyện. Nếu có người đầu tư, chúng tôi sẽ tạo điều kiện về đất đai và vốn vay để họ có điều kiện phát triển”.


lNhiều nông dân tổ 6, ấp 3, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao, Kiên Giang thoát nghèo, có thu nhập ổn định nhờ trồng cây tiêu trên đất gò và dùng cây tràm sống làm trụ cho cây tiêu. Đây là vùng đất gò, xốp, nhiễm phèn, trồng lúa cho năng suất thấp, nên người dân chuyển sang trồng mía. Thế nhưng, giá mía bấp bênh nên dẫn tới thua lỗ, năm 2006 một số hộ dân ấp 3 đã thử nghiệm trồng cây tiêu thay cây mía.


Gia đình ông Trần Vũ Phong (71 tuổi), ngụ tổ 6, ấp 3, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, là một trong những hộ nông dân trồng tiêu lâu năm hiệu quả và có nhiều sáng tạo. Ông Phong có khoảng 4.000 m2 đất trồng tiêu, mỗi năm trừ chi phí, tiền lãi từ cây tiêu khoảng 250 triệu đồng. Theo ông Phong, vùng đất này thích hợp trồng tiêu do đất xốp, có khả năng hút nước khi mưa to, không gây úng nước làm hại tiêu. Thông thường, người trồng tiêu dùng cột đá hoặc cây rừng làm trụ cho cây tiêu leo nhưng người dân nơi đây sáng tạo dùng cây tràm sống làm trụ trồng tiêu. Ông Phong cho biết: Tán cây tràm che mát cho cây tiêu quang hợp, lại giảm lượng nước tưới, còn rễ cây tiêu bám vào vỏ tràm hút nước và chất dinh dưỡng nuôi dưỡng cây lớn nhanh.


Trồng tiêu không đòi hỏi kỹ thuật cao và không tốn nhiều công chăm sóc. Cây tiêu 4 năm tuổi cho năng suất cao nhất và có thể cho thu hoạch khoảng 15 năm. 1.000 m2 đất có thể trồng khoảng 250 cây tiêu. Mỗi cây tiêu cho năng suất từ 1 - 3 kg/năm. Để cây tiêu ra hoa nhiều, hàng năm, vào tháng 5 âm lịch, nông dân bón thúc 25 kg phân N - P - K cho 250 cây tiêu. Đầu tháng 6 âm lịch, cây tiêu ra hoa, từ đó người trồng thường xuyên tưới, bón phân, xịt thuốc dưỡng hoa đến tháng giêng có thể thu hoạch tiêu.


Ông Hoàng Tú Bách, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc cho biết: Ấp 3, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc hiện có 125 hộ trồng 69 ha tiêu, ấp 2 của xã có khoảng 10 ha tiêu. Xã đang xem xét mô hình trồng tiêu tại các vùng đất phù hợp. Khi diện tích trồng tiêu ổn định, chính quyền địa phương sẽ phối hợp với ngành chức năng xây dựng thương hiệu tiêu Vĩnh Hòa Hưng Bắc”.

 

Đinh Thị Hương - Lê Sen

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN