Người dân đeo khẩu trang phòng dịch ở Brussels, Bỉ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, các chuyên gia cho biết để đạt được miễn dịch cộng đồng và ngăn chặn sự lây lan của bệnh sởi, ít nhất 95% dân số cần được tiêm chủng đầy đủ. Tuy nhiên, tại Bỉ, tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ sơ sinh hiện chỉ đạt 83% và thậm chí còn thấp hơn tại một số khu vực như Wallonie và Brussels. Đáng chú ý, trong giai đoạn 2020-2022, việc tiêm chủng chống sởi cũng bị gián đoạn do dịch COVID-19, khiến hơn 1,8 triệu trẻ sơ sinh trên toàn cầu không được tiêm phòng, tạo ra nguy cơ bùng phát các đợt dịch sởi mới.
Trước những diễn biến đáng lo ngại này, cơ quan y tế Brussels kêu gọi người dân chủ động kiểm tra lại tình trạng tiêm chủng của bản thân và gia đình để nhanh chóng bổ sung. Các chuyên gia y tế nhấn mạnh rằng vaccine là phương pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn bệnh sởi. Họ đặc biệt khuyến nghị các bậc phụ huynh đảm bảo trẻ nhỏ trong độ tuổi từ 9 đến 12 tháng tuổi được tiêm liều vaccine đầu tiên, và liều thứ hai nên được tiêm khi trẻ từ 7 đến 8 tuổi để đạt hiệu quả miễn dịch tối ưu. Ngoài ra, cơ quan y tế cũng nhắc nhở phụ nữ mang thai là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trước bệnh sởi. Việc tiêm phòng đầy đủ trước khi mang thai sẽ giúp bảo vệ cả mẹ và thai nhi khỏi các biến chứng nguy hiểm.
Lời kêu gọi này được đưa ra trong bối cảnh dịch sởi đang gia tăng tại nhiều khu vực, đặc biệt ở các quốc gia như Áo, Thụy Sĩ và Italy – những điểm đến phổ biến của du khách trong mùa Đông. Virus sởi lây lan qua đường không khí, với tốc độ lây nhiễm cao hơn nhiều so với dịch bệnh COVID-19. Cụ thể, một người mắc bệnh có thể lây cho khoảng 10 người khác ngay cả trước khi xuất hiện triệu chứng, do đó dễ dàng bùng phát dịch.