Sau khi đăng tải một số tin, bài xung quanh dự thảo Nghị định tinh giản biên chế của Bộ Nội vụ, báo Tin Tức tiếp tục nhận được các ý kiến phản hồi của độc giả về đề án này.
GS.TS Nguyễn Đăng Dung, Trưởng bộ môn Luật Hiến pháp - Hành chính kiêm Giám đốc Dự án Trung tâm Quyền con người (ĐH Quốc gia Hà Nội): Phải tinh giản, nhưng không nên làm “giật cục”
Tôi xin khẳng định ngay, tinh giản biên chế là chủ trương đúng đắn. Hiện nay, bộ máy nhà nước từ cấp cơ sở tới các bộ, ngành đều rất cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả. Muốn bộ máy này tinh gọn, hiệu quả, chúng ta ắt phải tinh giản những cán bộ, công chức không làm được việc.
Tôi xin nói thêm, bộ máy quản lý nhà nước cồng kềnh như hiện nay là hệ quả của nền kinh tế kế hoạch hóa trước đây để lại. Không riêng gì nước ta mà nhiều nước khác có chung cách quản lý kinh tế kế hoạch hóa như trước đây cũng đều phải tinh giản biên chế.
Tinh giản biên chế là việc cần phải làm. Tuy nhiên, tôi cho rằng, việc tinh giản 100.000 cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian từ nay đến năm 2020 khó thực hiện được vì đây là con số quá lớn, mà thời gian thực hiện lại quá ngắn.
Theo tôi, các địa phương, bộ, ngành chưa nên thực hiện tinh giản ngay trong năm nay; mà phải tiến hành điều tra, phân tích, phân loại cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị mình, từ đó mới lên kế hoạch tinh giản. Công tác tinh giản biên chế cần làm thường xuyên, liên tục ở từng đơn vị, chứ không nên làm theo kiểu “giật cục”, để tránh tâm lý bất ổn và hoang mang cho cán bộ, nhân viên trong từng đơn vị và cho cả lớp lao động trẻ, nhất là những sinh viên mới và sắp ra trường.
Anh Nguyễn Anh Nguyên (Cán bộ Viện Khoa học Công nghệ Mỏ - Vinacomin): Học tập mô hình quản lý của doanh nghiệp
Theo tôi, muốn tinh giản biên chế hiệu quả nên dũng cảm loại bỏ những công chức năng lực yếu, không đáp ứng được yêu cầu công việc. Để thực hiện được việc này thì vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị là quan trọng nhất. Cụ thể, thủ trưởng đơn vị phải đánh giá một cách khách quan, công bằng về hiệu quả làm việc của từng nhân viên.
Từ trước đến nay, việc đánh giá công chức được thực hiện theo hình thức bỏ phiếu kín. Nhiều người vì nể nang, ngại va chạm nên lá phiếu bình bầu thường theo kiểu “dĩ hòa vi quý”. Lãnh đạo vì lý do cá nhân rồi muốn làm “đẹp” bảng thành tích của đơn vị mà nhiều khi cũng cho qua những sai sót của nhân viên. Chính những lý do này mà kết quả đánh giá không thực chất, không phản ánh đúng năng lực của từng cán bộ. Trong khi đó, các doanh nghiệp tư nhân thực hiện việc này rất tốt. Ai làm được việc thì đương nhiên lương thưởng, chế độ đãi ngộ cao. Ngược lại, ai không làm được thì doanh nghiệp buộc cho thôi việc để tuyển người có đủ khả năng vào làm.
Bên cạnh đó, song song với việc trao quyền thì cũng phải gắn kèm với trách nhiệm rõ ràng cho người đứng đầu. Theo tôi, luật phải quy định rõ lãnh đạo bị xử lý như thế nào khi nhân viên dưới quyền không làm được việc. Thủ trưởng mỗi đơn vị như ông tướng cầm quân ra trận, nếu thua thì tướng phải chịu tội; còn thắng thì có vinh quang. Làm được như vậy thì mới đảm bảo mục tiêu bộ máy hành chính “gọn mà vẫn hiệu quả”.
PGS.TS Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT): Nhiều lâm trường quốc doanh đã tinh giản đến mức tối đa
Theo dự thảo Nghị định tinh giản biên chế, giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng của các nông, lâm trường quốc doanh sắp xếp lại theo quy định của Nghị định số 170/2004/NĐ-CP và Nghị định số 200/2004/NĐ-CP nhưng không tiếp tục làm việc tại doanh nghiệp, nông, lâm trường quốc doanh đó hoặc ở khu vực Nhà nước thì sẽ thuộc diện tinh giản. Tôi cho rằng, Nghị định quy định như vậy là hợp lý.
Tôi cho rằng, số cán bộ thuộc diện này không còn nhiều. Nhiều đơn vị đã tinh giản biên chế đến mức tối đa vì các lâm trường hiện vận hành theo cơ chế tự nuôi, chứ không phụ thuộc vào ngân sách nhà nước như trước. Kết quả thống kê của chúng tôi cho thấy, trước đây, cả nước có 185 nông trường, công ty nông nghiệp; sau sắp xếp, tinh giản hiện còn 148 công ty, với khoảng 2.000 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Theo tôi, với số lượng người như vậy, bộ máy các lâm trường không cồng kềnh. Tuy nhiên, vẫn phải thừa nhận một điều là không phải tất cả cán bộ, công chức, viên chức tại các lâm trường này đều làm việc hiệu quả. Với những trường hợp này, theo tôi, cần có chế độ bồi dưỡng, đào tạo để nâng cao hiệu quả công việc cho mỗi cá nhân.
Thu Phương - Huyền Tím