Hàng ngày tôi vẫn đồng hành trên xe buýt. Bình thường, khi đi từ nhà tới trường học tôi phải chuyển qua 2 tuyến buýt khác nhau vì vậy nếu tính số đầu xe buýt tôi phải đi trong ngày có khi lên tới cả gần chục xe. Chính vì lẽ đó mà tôi khá tường tận với những tình tiết, sự kiện... diễn ra trên xe buýt.
Với đặc thù về sự phức tạp, lộn xộn, đông đúc và bao nhiêu thứ tạp phí lù trên xe buýt thì đã có rất nhiều người cũng như các phương tiện truyền thông đề cập tới rồi, trong bài viết nhỏ này tôi chỉ phản ánh trọng tâm tình trạng gian lận của nhân viên bán vé trên các tuyến xe buýt mà thôi!
Vâng, tình trạng nhân viên bán vé xe buýt gian lận tiền của các công ty (ở đây tôi có thể gọi là của nhà nước cũng được- vì xe buýt có sự trợ giá bù lỗ của nhà nước) đã, đang là vấn đề bức xúc trong dư luận khi mà nó diễn ra trên hầu hết các tuyến buýt nội đô cũng như đi ra các vùng phụ cận. Với những người mua vé tháng như chúng tôi thì nhân viên bán vé không thể “ăn” gì được, nhưng đối với những hành khách đi vé ngày theo kiểu trả tiền lấy vé trực tiếp thì nhân viên bán vé luôn “xà xẻo” trong số hành khách này. Theo quan sát của tôi qua nhiều ngày thì khi hành khách lên xe rút tiền mua vé, nhân viên bán vé thường chưa xé vé ngay mà hỏi với hàm ý khách về khu vực nào, có cách xa chỗ vừa lên không (?!). Nếu khách đi xa, có thể là cuối bến thì nhân viên vội xé vé đưa cho họ, còn với những khách chỉ đi gần khoảng vài ba điểm đỗ là họ chỉ thu tiền mà không đưa vé cho khách. Với những khách đã quá quen với thái độ gian lận của nhân viên bán vé thì họ ngầm hiểu số tiền đó chắc chắn sẽ vào túi của nhân viên bán vé mà không hề vào “túi” Nhà nước vì họ đâu có đưa vé! Không hiểu vì sao họ cũng chẳng thắc mắc. Thế nhưng, có một số người mới đi lần đầu, khi đưa tiền rồi mà không thấy xé vé thì họ thắc mắc. Gặp những tình huống này, có một số nhân viên thì đành phải trả vé cho họ, thế nhưng cũng có không ít nhân viên “mặt dày” giải thích với khách là “Hết vé rồi”!
Có một bữa, từ sân bay Nội Bài về trung tâm thành phố, suốt chiều dài mấy chục kilômét ấy với hàng trăm lượt hành khách lên xuống xe từ các điểm đỗ ven đường và tôi quan sát thấy rất nhiều khách đi vé ngày. Thế nhưng nhân viên bán vé chỉ thu tiền mà không hề trao vé cho một ai hết. Tôi nhẩm tính, với chỉ khoảng 60 người đi vé ngày, và họ đã trả tiền 4.000 đồng/người thì chỉ riêng chuyến đó anh nhân viên bán vé đã đút túi 240.000 đồng. Và thử hỏi, cả một ca đi làm với hàng chục chuyến đi, về như thế thì nhân viên kia sẽ đút túi là bao nhiêu tiền(?!). Như vậy, sự thiệt hại cho ngân sách nhà nước là rất lớn khi thực trạng gian lận kiểu như thế không chỉ có ở một nhân viên, mà nó là trào lưu chung của nhiều nhân viên bán vé trên nhiều tuyến buýt. Vẫn biết là lương của nhân viên bán vé xe buýt không cao so với sự vất vả của họ, thế nhưng không thể vin vào lý do như vậy để nhân viên a dua nhau “ăn cắp” tiền của nhà nước để tăng thu nhập cho mình, trong khi mỗi năm ngân sách thành phố, quốc gia bù lỗ cho riêng giao thông công cộng ở các thành phố là rất lớn.
Được biết, các công ty xe buýt vẫn luôn cắt cử các đoàn thanh tra phân bổ đi các tuyến để giám sát việc bán vé, ghi sổ sách của nhân viên xe buýt mà bằng chứng là tôi cũng thi thoảng gặp họ ở trên xe. Thế nhưng, khi lên xe họ cũng chỉ hỏi nhân viên bán vé cho qua quýt rồi lại đi xuống. Phải chăng có sự “thông đồng”, “câu kết” giữa những thanh tra và nhân viên bán vé (?!). Có thể sự khẳng định là chưa có cơ sở, nhưng sự nghi hoặc là có thực vì nếu như thanh tra nghiêm thì chắc hẳn là các nhân viên bán vé sẽ bớt gian lận hơn.
Vấn đề này các công ty xe buýt của thành phố cần có các phương hướng, biện pháp hữu hiệu và cứng rắn để ngăn chặn tình trạng gian lận tài chính của nhân viên bán vé trên các tuyến xe buýt.
Nguyễn Long