Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã luôn dành sự quan tâm sâu sắc để phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bằng nhiều chủ trương, chính sách đầu tư hỗ trợ khác nhau.
Hỗ trợ máy nông cụ cho đồng bào để sản xuất. |
Nhờ thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc, tình hình kinh tế - xã hội, đời sống vật chất, tinh thần đồng bào các dân tộc vùng núi có những bước chuyển biến quan trọng. Phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo đạt được nhiều kết quả to lớn: Từ sản xuất mang tính tự cung, tự cấp là chính, đến nay vùng dân tộc và miền núi bước đầu đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa, một số nơi đã xây dựng được mô hình sản xuất có hiệu quả, xuất hiện nhiều hộ dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi.
Đồng bào ở vùng khó khăn, sạt lở, xung yếu được tái định cư ổn định. |
Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm mạnh, bình quân từ 3 - 4%/năm. Bộ mặt nông thôn miền núi đã thay đổi rõ rệt, 97% xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã; 84% số xã đặc biệt khó khăn có điện lưới; 100% xã có trường tiểu học; 100% số xã đạt chuẩn phổ cập tiểu học, nhiều nơi đã đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở; gần 70% trạm y tế xã có y, bác sỹ, bảo hiểm y tế cho đồng bao dân tộc vùng đặc biệt khó khăn, người nghèo vùng dân tộc miền núi cơ bản được giải quyết.
Nhiều con đường liên bản được bê tông hóa nhờ hỗ trợ đầu tư của các chương trình, chính sách của Nhà nước. |
Có điện, đồng bào được hỗ trợ hệ thống FM không dây để nghe phát thanh. |
Dù đã đạt được những thành tựu quan trọng nhưng vùng dân tộc, miền núi hiện vẫn là vùng khó khăn nhất. Đến nay, vẫn còn 2.068 xã đặc biệt khó khăn và hơn 18.000 thôn đặc biệt khó khăn có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trên 45%; một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn thiếu đói, nhất là vào thời điểm giáp hạt. Trong khi đó, một số chính sách đầu tư, hỗ trợ đã hết hiệu lực; một số chính sách không phù hợp với thực tiễn; một số chính sách đang thực hiện nhưng nguồn lực bố trí không đủ, không kịp thời...
Hệ thống trường lớp ở vùng dân tộc và miền núi được đầu tư, bảo đảm cho con em được đến trường. |
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử, để tiếp tục phát triển vùng dân tộc và miền núi một cách bền vững, Ủy ban Dân tộc đã đề nghị Thủ tướng cho phép được xây dựng chính sách dân tộc theo nhóm, trong đó có nhóm chính sách đặc thù để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, nhóm chính sách theo địa bàn có giải pháp phù hợp đặc thù từng vùng, miền...
Bài và ảnh: Trọng Thủy