Cần chính sách ưu tiên đặc biệt cho đồng bào dân tộc

Những cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc và miền núi, luôn được đồng bào và cán bộ cơ sở quan tâm, trăn trở, bởi trên thực tế, vẫn còn nhiều vùng dân tộc và miền núi rất khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo còn khá cao so với mặt bằng chung của cả nước. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Giàng Seo Phử đã chia sẻ về vấn đề này trên chuyên mục “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời”, phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam, TTXVN, Cổng thông tin điện tử Chính phủ và một số cơ quan ngôn luận khác...

 

Cần tăng mức đầu tư


Bộ trưởng Giàng Seo Phử khẳng định: Mặc dù đất nước ta còn nhiều khó khăn, nhưng những năm qua, Đảng và Nhà nước, các bộ, ngành và địa phương đã hết sức quan tâm cả về vật chất và tình cảm, hỗ trợ trực tiếp cho đồng bào để xóa đói, giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, do xuất phát điểm của đời sống đồng bào thấp, địa hình cư trú lại chia cắt mạnh, chịu nhiều thiên tai... nên đời sống đồng bào vẫn còn rất nhiều khó khăn; dẫn tới việc khoảng cách tỷ lệ hộ nghèo giữa các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng bị xa so với các vùng, miền khác trong cả nước. Có nhiều vùng đồng bào dân tộc xa xôi, hẻo lánh, tỷ lệ hộ nghèo lên đến 70 - 80%. "Để rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền, giữa các dân tộc thì các chính sách phải được thực hiện nhiều năm và được ưu tiên hàng đầu", Bộ trưởng Giàng Seo Phử khẳng định.


Một trong những chương trình hỗ trợ đồng bào được triển khai hiệu quả trong thời gian qua là Chương trình 135. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Giàng Seo Phử: "Chương trình 135, giai đoạn 2006 - 2010 định mức đầu tư cho mỗi xã đặc biệt khó khăn là 1 tỷ đồng/xã/năm; 200 triệu đồng/thôn, bản/năm; đến năm 2014 mới được nâng định mức lên 1,5 tỷ đồng/xã. Đây vẫn là định mức rất thấp, chưa đủ sức để làm xoay chuyển tình hình”. Chính vì vậy, Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành phối hợp với UBDT, tham mưu cho Chính phủ, để có lộ trình tăng dần mức đầu tư cho các địa phương đặc biệt khó khăn. “Vốn đầu tư sẽ tập trung vào những vấn đề trọng yếu, theo hướng vì mục đích công cộng và con người; nâng cao năng lực, nhận thức cho người dân và cán bộ quản lý chương trình là vấn đề hết sức quan trọng”, Bộ trưởng khẳng định.


Theo Bộ trưởng Giàng Seo Phử, Chương trình 135 giai đoạn tới chỉ thực hiện hai nội dung chính: Hỗ trợ cơ sở hạ tầng và hỗ trợ sản xuất. Như vậy, nếu các lĩnh vực khác không được hỗ trợ, hoặc không được lồng ghép, không được giải quyết một cách đồng bộ, sẽ rất khó khăn trong việc xóa đói, giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Theo Bộ trưởng, vì đồng bào ở những vùng đặc biệt khó khăn, nên cũng cần có những chính sách ưu tiên đặc biệt và cơ chế đặc biệt để giúp đồng bào giải quyết vấn đề đói nghèo. Nhưng cũng cần chống tư tưởng cho không, tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Đồng thời, Nhà nước cũng cần xây dựng chính sách sát với dân, lấy nhu cầu từ cộng đồng từng vùng, miền... Để người dân ổn định cuộc sống cũng cần có chính sách đồng bộ và có cơ chế đầu tư, đảm bảo cho người dân phát triển sản xuất được. Nhà nước cần tổ chức chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho người dân...


Hỗ trợ phải xuất phát từ nhu cầu


Bộ trưởng Giàng Seo Phử cho biết, thời gian vừa qua nhiều chương trình, chính sách được triển khai thực hiện, trong đó có dự án xây dựng trung tâm cụm xã, định canh, định cư. Tuy nhiên, trên thực tế có những nơi được đầu tư nhưng lại không có nhu cầu, dẫn tới tình trạng dang dở. Có những trung tâm cụm xã đã triển khai thực hiện xong một nửa phải dừng lại, hoặc có trung tâm đã xây dựng xong nhưng không được sử dụng, hoặc sử dụng không hiệu quả.


Theo Bộ trưởng, để khắc phục tình trạng này là đầu tư, hỗ trợ phải xuất phát từ nhu cầu của cộng đồng. Những công trình dang dở UBDT sẽ đề nghị Chính phủ tiếp tục cho thực hiện; tìm hiểu xác định lại nhu cầu, nếu không sẽ chuyển sang đầu tư lĩnh vực, nội dung, hạng mục công trình khác cho hiệu quả, tránh lãng phí. "Khi thực hiện dự án, cần tính toán đến nhu cầu thực tế của từng địa phương, phù hợp với phong tục tập quán của từng dân tộc, vùng, miền", Bộ trưởng nhấn mạnh.


Về phản ánh của người dân về tình trạng thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn phổ biến, đặc biệt là ở những nơi tái định cư, theo Bộ trưởng là có thực tế này. Tuy nhiên, rất khó khắc phục tình trạng này do đặc thù địa hình của các tỉnh miền núi phía Bắc có nhiều núi đá, nên quỹ đất sản xuất được rất thấp, đồng thời cũng thiếu mặt bằng để quy hoạch khu dân cư. Chính vì vậy, vấn đề thiếu đất ở, đất sản xuất ở những vùng này trở nên phổ biến, ngoài ra còn chịu ảnh hưởng lớn bởi thiên tai, lũ lụt, việc di dời để lấy quỹ đất cho các công trình thủy điện... Về vấn đề này, Bộ trưởng cho rằng, các địa phương phải chủ động, trình Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan những đề án để có giải pháp tháo gỡ; có phương án bố trí sắp xếp, ổn định dân cư. Đồng thời xác định được quỹ đất tương đối với số dân, đảm bảo định mức tối thiểu đất sản xuất đối với người dân, nếu vượt quá Nhà nước phải cân đối để sắp xếp lại dân cư. Bộ trưởng lấy ví dụ: Nếu ở một tỉnh chỉ có quỹ đất cho 1.000 dân, nhưng lại có 5.000 dân là thiếu đất sản xuất và sẽ xảy ra tình trạng di cư tự do, nghèo đói. “Phải đánh giá, rà soát lại dân cư, đặc biệt là những khu tái định cư thủy điện để có phương án lâu dài, nếu không sau 3 năm khi hết hỗ trợ, họ sẽ quay trở lại nơi ở cũ. Nhà nước cũng cần đầu tư nguồn lực để chuyển đổi ngành nghề cho người dân”, Bộ trưởng đưa ra giải pháp.

 

Trọng Thủy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN