Cuối tháng 8 vừa qua, tỉnh Bắc Kạn đã đăng cai tổ chức hội thi Thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ XI, khu vực I năm 2019. Đây là hoạt động thường niên do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Dân tộc và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp tổ chức theo chu kỳ 2 năm/lần tại 3 khu vực trên toàn quốc. Trong đó, Khu vực I gồm 31 tỉnh, từ tỉnh Thừa Thiên Huế trở ra phía Bắc.
Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ XI, khu vực I được tổ chức trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn với sự tham gia của 19 đoàn với gần 700 vận động viên là người dân tộc thiểu số đến từ các tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang,Tuyên Quang, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Giang, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Trị. Các vận động viên tranh 51 bộ huy chương trong 8 môn thi đấu của Hội thi gồm: Bóng đá, Bóng chuyền, Việt dã, Bắn nỏ, Đẩy gậy, Kéo co, Tung còn và Tu Lu.
Có mặt tại các điểm diễn ra các môn thi đấu của Hội thao mới thấy tinh thần đoàn kết và tình yêu thể thao luôn cháy bỏng trong mỗi vận động viên, cổ động viên. Trên các sàn đấu, các vận động viên đều tập trung say mê thi đấu; đội ngũ trọng tài làm công tác điều hành các trận đấu tại giải làm việc công tâm, nghiêm minh. Bên ngoài sàn đấu, cổ động viên cuồng nhiệt, cổ vũ cho đồng đội, đơn vị của mình.
Ấn tượng nhất là những cổ động viên cao tuổi ở các bộ môn bóng chuyền và bóng đá, cứ tới giờ thi đấu, mặc dù trời rất nắng nóng nhưng luôn có mặt để cổ vũ, các cổ động viên tuy tuổi cao nhưng nhiệt huyết và tinh thần thể thao thì luôn tươi trẻ. Chất lượng chuyên môn của Hội thi được đánh giá là khá tốt, ở các môn thi như bóng chuyền, việt dã, bóng đá… các vận động viên đeo đuổi bám điểm nhau rất sát, tạo nên nhiều trận đấu hấp dẫn, kịch tính, lôi cuốn người xem. Các môn thi như kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ… cũng sôi nổi không kém; đặc biệt là môn kéo co, từ vận động viên đến người xem và cổ động viên đều phấn chấn bởi đây là một môn thi tập thể đòi hỏi có sự kết hợp ăn ý với nhau, không chỉ sức mạnh cơ bắp mà cần phải có kỹ thuật, chiến thuật, đặc biệt là sự phối hợp nhịp nhàng giữa toàn đội mới có thể giành thắng lợi, hơn nữa đây là môn thi đấu loại trực tiếp nên đòi hỏi các vận động viên phải hết sức tập trung với tinh thần thi đấu, quyết tâm cao. Chính vì vậy đã tạo nên không khí tưng bừng, nhộn nhịp và đầy sức hấp dẫn…
Ông Nguyễn Văn Chương – Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn cho biết việc phát triển các môn thể thao dân tộc luôn được tỉnh quan tâm. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch chỉ đạo các địa phương tổ chức lễ hội đầu năm, cuối năm phải đưa các môn thể thao dân tộc vào nội dung lễ hội, qua đó cũng góp phần bảo tồn, thúc đẩy các môn thể thao dân tộc.
Bắc Kạn là tỉnh có nhiều dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc đều có nét văn hóa đặc trưng và môn thể thao được yêu thích. Hầu hết các môn thể thao dân tộc đều được chơi theo hình thức tập thể, vì vậy thường được tổ chức giao lưu, thi đấu vào các dịp lễ, hội với sự tham gia cổ vũ của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Qua những hội thi càng thấy rõ việc bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc trong quần chúng nhân dân không chỉ mang ý nghĩa tinh thần sâu sắc, mà còn là nguồn động viên khích lệ người dân hướng về cội nguồn, rèn luyện sức khỏe để lao động sản xuất và học tập.
Các môn thể thao dân tộc được tổ chức thi đấu ngoài phát huy, duy trì nét đặc sắc còn góp phần nâng cao tình đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Trong xu thế hội nhập hiện nay, các môn thể thao truyền thống đang có nguy cơ mai một, do đó việc đưa những môn thể thao này vào chương trình thi đấu là điều cần thiết, góp phần bảo tồn và gìn gữ cho thế hệ sau biết phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình./.