Theo số liệu mới công bố của Bộ Công Thương, tính chung trong 2 tháng đầu năm nay (thời điểm trước, trong và sau Tết), tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tăng 11,6% so với cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố giá thì vẫn tăng 6,2%. Do đó, theo quan điểm của Bộ Công Thương, CPI tháng 2 tăng thấp kỉ lục trong nhiều năm không phải hoàn toàn bởi sức mua yếu. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn cho rằng, vẫn cần phải tập trung cải thiện sức mua để kích thích thị trường và nền kinh tế tăng trưởng tốt hơn.
Dè dặt mua sắm
Dạo quanh các chợ ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, nhiều tiểu thương cho biết, giá rau củ rẻ nhưng tiêu thụ rất chậm. Tại các siêu thị, các mặt hàng tiêu dùng được doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh giảm giá, khuyến mãi với những món hàng tặng kèm như: muỗng, chén, dĩa, thau, rổ, giỏ xách... Tuy nhiên, người tiêu dùng hầu như chỉ chọn mua những mặt hàng thiết yếu và vừa túi tiền chứ không mua sắm “vung tay” như trước.
Chị Lý Minh Vân, Giám đốc một công ty sản xuất hàng may mặc trẻ em tại quận Tân Bình chia sẻ: “Trước đây, doanh số bán hàng bình quân mỗi tháng đạt từ 6 - 7 tỉ đồng. Nhưng hai tháng đầu năm nay, mặc dù là có tháng Tết nhưng doanh số của công ty vẫn sụt giảm mạnh, chỉ đạt từ 1 - 2 tỉ đồng. Do sức mua giảm nên công ty đã mở các kênh bán hàng lưu động đến các khu công nghiệp và nhiều nơi trong chợ, đồng thời hạ giá thành để kích cầu”. Tương tự, đại diện Công ty Nhôm Kim Hằng cũng cho biết, sức tiêu thụ của sản phẩm phân khúc cấp thấp chững lại. Để giảm hàng tồn kho, công ty phải liên tục thực hiện kích cầu nên dù có tăng trưởng, nhưng lại mất thêm một khoản chi phí.
Theo ghi nhận của phóng viên, thời điểm Tết Nguyên đán vừa qua, hàng hóa trên thị trường tiêu thụ khá chậm, không xảy ra tình trạng sốt hàng, sốt giá hay người tiêu dùng phải tranh thủ tích trữ hàng hóa. Số liệu mới đây của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, mặc dù đúng dịp Tết nhưng chỉ số tiêu dùng (CPI) của TP Hồ Chí Minh và Hà Nội tháng 2/2014 đều tăng thấp. Đặc biệt, CPI của TP Hồ Chí Minh chỉ tăng 0,24% so với tháng trước, thấp nhất trong 10 năm qua.
CPI tăng thấp là điều đáng mừng với người dân nhưng nhiều người lại lo ngại sức mua yếu có thể ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Theo số liệu thống kê các năm trước, trong tháng 1/2012 (tháng Tết Nguyên đán), tổng mức lưu chuyển hàng hóa đều tăng khoảng 30% so với tháng 2/2011. Như vậy, nếu so sánh có thể thấy, sức mua năm nay có tăng nhưng chưa như kỳ vọng. Đây cũng là lí do khiến các chuyên gia vẫn chưa hết lo ngại về sức mua.
Tuy nhiên, lãnh đạo của Bộ Công Thương lại không quá bi quan về sức mua. Tại buổi họp báo thường kì mới đây, nhận định về sức mua của thị trường, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, tổng mức bán lẻ hàng hóa 2 tháng đầu năm đạt 474.086 tỷ đồng, tăng gần 12%. “Đây là mức tăng khá tốt so với nhiều tháng trở lại đây. Điều này cho thấy, sức mua thực trên thị trường đang có nhiều dấu hiệu khả quan”, theo Thứ trưởng Hải.
Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cũng cho rằng: “Chúng ta đã quen với việc trước Tết phải tăng giá, sau Tết có giảm chăng nữa thì cũng sẽ thiết lập mặt bằng giá mới. Nhưng năm nay mặt bằng giá mới không bị thiết lập. Đây là vấn đề liên quan đến các giải pháp vĩ mô mà đặc biệt là chính sách bình ổn giá”. Như vậy, theo lý giải này, CPI tháng Tết tăng không cao không hẳn là do sức mua yếu, mà là nhờ các chính sách vĩ mô của Chính phủ.
Cải thiện sức mua
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh cho rằng, CPI xuống thấp một phần do sức mua yếu, nhưng cũng phải thừa nhận công tác điều hành giá cả, bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết rất tốt. Tuy nhiên, theo ông Hưng, vẫn cần có giải pháp để cải thiện sức mua. “Người tiêu dùng dè dặt và thận trọng mua sắm bởi họ vẫn chưa yên tâm về sự phục hồi của nền kinh tế. Điều này cũng ảnh hưởng đến đầu ra của DN”, ông Hưng phân tích.
Theo các chuyên gia kinh tế, sức mua yếu sẽ khiến cho các DN không dám mở rộng đầu tư, vì nếu đầu tư sẽ phải bỏ ra khoản tiền lớn nhưng việc thu hồi vốn lại khó khăn. Bên cạnh đó, do nguồn vốn đã gần như cạn kiệt, hàng tồn kho cao, tài sản đang thế chấp ngân hàng nên DN không dám đầu tư. Sản xuất khó khăn kéo theo hệ lụy là lương lao động không tăng, thậm chí giảm theo doanh số kinh doanh. Và tất nhiên, mua sắm sẽ giảm. Đây là vòng luẩn quẩn chưa được giải quyết.
Ông Phạm Ngọc Hưng cho rằng, muốn cải thiện sức mua phải giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) cho DN, đồng thời cần có những gói tài trợ để giúp DN vượt qua khó khăn. Ngoài ra, không nên tăng giá các sản phẩm độc quyền của Nhà nước trong thời điểm này. Theo ông Hưng, những DN có thương hiệu mạnh vẫn làm ăn được. Đặc biệt, những DN xuất khẩu như dệt, da, giày, gỗ chế biến vẫn phát triển tốt do họ có đơn hàng. Nhưng với những DN sản xuất để tiêu thụ nội địa thì hầu hết đều khó khăn. Vì thế, trước mắt Bộ Công Thương nên xem xét tổ chức lại hệ thống phân phối nội địa theo hướng bài bản, chuyên nghiệp.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đề xuất, muốn tăng tổng cầu, bắt buộc phải có những giải pháp đột phá. Muốn vậy, phải xác định rõ nhiệm vụ chính của năm kinh tế 2014 là tập trung cải thiện sức mua. Ngoài ra, nhiều ý kiến khác cũng cho rằng Chính phủ nên khẩn trương tái cơ cấu nền kinh tế. Trong đó, quan trọng nhất là phải tập trung vào ba đối tượng: DN nhà nước; các tổ chức tín dụng, ngân hàng; đầu tư công để kích thích kinh tế phát triển.
Hoàng Dương - Hải Yên