Cách phòng tránh amip 'ăn não người'

Nhiều người dân đang rất lo lắng sau khi Bộ Y tế chính thức công nhận ca tử vong đầu tiên của Việt Nam do ký sinh trùng mang tên Naegleria fowleri ăn não người gây ra. Vậy làm thế nào để phòng tránh bệnh tật từ ký sinh trùng nguy hiểm này? PGS.TS Nguyễn Trần Hiển (ảnh), Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trao đổi với Tin Tức xung quanh vấn đề này.

 

Ký sinh trùng Naegleria fowleri, mà các phương tiện truyền thông hay gọi là “amip ăn não người”, nguy hiểm tới mức nào, thưa ông?


Ký sinh trùng amip Naegleria fowleri gây ra bệnh viêm não màng não tiên phát, một bệnh của hệ thần kinh trung ương. Đây là một bệnh rất nguy hiểm làm 99% bệnh nhân bị tử vong. Triệu chứng và dấu hiệu của bệnh này về mặt lâm sàng giống viêm màng não do vi khuẩn nên thường bị bỏ qua và được chẩn đoán rất muộn, thậm chí sau khi chết. Đặc biệt, bệnh diễn biến nhanh. Mặc dù có một số thuốc có hiệu quả điều trị trong phòng thí nghiệm nhưng trên thực tế hiệu quả điều trị không rõ ràng, hầu hết bệnh nhân vẫn tử vong. Hiện nay, chưa có bằng chứng khoa học về hiệu quả của các thuốc điều trị bệnh này.


Tuy nhiên, thật may mắn vì đây là một bệnh rất hiếm gặp, nguy cơ nhiễm ký sinh trùng amip Naegleria fowleri là rất thấp. Trong vòng 50 năm từ 1962 - 2011, ở Mỹ chỉ báo cáo 123 người mắc bệnh. Naegleria fowleri có trong nước, xâm nhập qua mũi, từ đó theo thần kinh khứu giác lên não và gây viêm não. Naegleria fowleri thường được phát hiện trong nước sông hồ ấm hay suối nước nóng trong tự nhiên, nhưng rất hiếm khi phát hiện được trong các bể bơi mà chưa được tiệt trùng đúng cách hay ở vòi nước nóng. Ký sinh trùng này phát triển mạnh nhất ở nhiệt độ 46°C và có thể sống sót trong một thời gian ngắn ở nhiệt độ cao hơn.


Nguy cơ cao nhiễm ký sinh trùng này là nhảy xuống nước, lặn xuống nước hay làm nước xộc mạnh vào mũi. Bệnh không lây truyền từ người sang người, không gây thành dịch. Người không bị mắc bệnh này khi uống nước nhiễm Naegleria fowleri.


Vậy đi bơi thời điểm này có dễ bị ký sinh trùng “amip ăn não người” xâm nhập không, thưa ông?


Naegleria fowleri được tìm thấy trong các sông, hồ nước ấm. Nhiều khả năng là ký sinh trùng này có thể có mặt ở các cơ sở vui chơi giải trí sử dụng nước sông, hồ có nước ấm hay suối nước nóng. Bệnh thường xảy ra vào các tháng mùa nóng, từ tháng 6 đến tháng 9. Nguy cơ mắc bệnh có thể xảy ra mặc dù là rất thấp ở khu vực có điều kiện thuận lợi cho sự tồn tại của sinh vật này.


Nhưng tại sao vừa qua Việt Nam lại xuất hiện ca mắc và tử vong đầu tiên do “amip ăn não người”, thưa ông?


Trên thế giới, Naegleria fowleri được phát hiện là nguyên nhân gây bệnh và tử vong ở người từ năm 1961. Từ trước tới nay, tại Việt Nam chưa từng ghi nhận trường hợp nào. Trường hợp mắc bệnh này đầu tiên được ghi nhận mới đây ở TP Hồ Chí Minh. Có thể Naegleria fowleri đã có mặt trong một số khu vực có điều kiện thuận lợi như sông hồ có nước ấm hay suối nước nóng, tuy nhiên vì tỷ lệ mắc bệnh rất hiếm gặp nên có thể có một số rất ít trường hợp bị bỏ qua mà không phát hiện được.


Làm thế nào có thể phòng tránh bệnh do ký sinh trùng“amip ăn não người” gây ra? Khi nào người bệnh nên đến cơ sở y tế để phòng tránh những biến chứng đáng tiếc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, thưa ông?


Cách phòng bệnh chắc chắn nhất là hạn chế hoặc không có các hoạt động liên quan đến nước ấm/nóng trong tự nhiên như lặn trong nước hay hít nước không được tiệt trùng đúng cách vào mũi. Bịt mũi hay dùng kẹp mũi khi bơi lội hay lặn xuống nước. Sau khi tắm, bơi nên vệ sinh mũi sạch sẽ, sử dụng dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng để xịt, rửa mũi. Tiệt trùng theo đúng phương pháp nước ở bể bơi là có khả năng tiêu diệt ký sinh trùng này. Hạn chế đào bới hay khuấy cặn lắng ở các khu vực có nước nóng.

Vì tỷ lệ nhiễm bệnh rất thấp nên rất khó biết tại sao chỉ có một số rất ít người nhiễm bệnh trong số hàng triệu người sử dụng chung nguồn nước đó. Do đó, cách phòng bệnh chắc chắn nhất là hạn chế hoặc không có các hoạt động liên quan đến nước ấm/nóng trong tự nhiên như lặn trong nước hay hít nước không được tiệt trùng đúng cách vào mũi. Bịt mũi hay dùng kẹp mũi khi bơi lội hay lặn xuống nước. Sau khi tắm, bơi nên vệ sinh mũi sạch sẽ, sử dụng dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng để xịt, rửa mũi. Tiệt trùng theo đúng phương pháp nước ở bể bơi là có khả năng tiêu diệt ký sinh trùng này. Hạn chế đào bới hay khuấy cặn lắng ở các khu vực có nước nóng.


Sau khi nhiễm bệnh, ban đầu bệnh nhân có thể chỉ cảm nhận thấy việc thay đổi mùi, vị. Sau đó, các triệu chứng đầu tiên của hội chứng viêm não, màng não xuất hiện trong khoảng 5 ngày, bao gồm đau đầu, sốt, buồn nôn, nôn. Bệnh nhân cũng có thể xuất hiện các triệu chứng muộn như cổ cứng, lú lẫn, mất tập trung, mất thăng bằng, xuất hiện chứng ảo giác và co giật. Sau đó, bệnh tiến triển nhanh và thường dẫn đến tử vong trong vòng 5 ngày (hoặc từ 1-12 ngày). Do đó, khi có các triệu chứng đầu tiên, bệnh nhân nên đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, có thể làm giảm nguy cơ tử vong.
Xin cảm ơn ông!



Phương Liên (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN