Cách mạng "hoa nhài" liệu có xảy ra ở Zimbabuê ?

Làn sóng biểu tình chống chính phủ của người dân Ai Cập và Tuynidi đã buộc hai nhà lãnh đạo đầy quyền lực của hai quốc gia này phải từ chức.

Câu hỏi đặt ra là liệu cuộc cách mạng "hoa nhài" có thành công tại Dimbabuê - nơi Tổng thống Robert Mugabe đã trị vì quốc gia này hơn 30 năm qua.

Tờ "Thư tín và Người bảo vệ" ngày 21/2 đã đưa ra một số lý do khẳng định quyền lực của Tổng thống Dimbabuê khó bị lay chuyển.

Ảnh internet


Căn cứ vào những điều kiện thực tế tại Dimbabuê hiện nay, quyền lực của Tổng thống Mugabe khó có thể bị lật đổ bởi phong trào biểu tình chống chính phủ giống như tại Ai Cập và Tuynidi và ông này đang lên kế hoạch củng cố quyền lực thống trị kéo dài hơn 30 năm của mình thông qua cuộc bầu cử sẽ được tiến hành vào cuối năm 2011, cho dù kế hoạch bầu cử này đã làm cho người dân Dimbabuê giận dữ và dẫn đến một số cuộc xung đột giữa những người ủng hộ đảng Zanu-PF cầm quyền với Phong trào Thay đổi dân chủ (MDC).

Làn sóng biểu tình chống chính phủ của người dân Ai Cập và Tuynidi đã lật đổ quyền lực của hai nhà độc tài Hosni Mubarak và Zine al-Abidine Ben Ali xem ra không được quan tâm nhiều tại Dimbabuê vì những người ủng hộ Mugabe đã bày tỏ quyết tâm bảo vệ nhà lãnh đạo của họ

 Theo các nhà phân tích chính trị, cho dù có đủ điều kiện thuận lợi để các cuộc biểu tình chống chính phủ diễn ra tại Dimbabuê, và người dân có thể làm theo những gì đã diễn ra tại thế giới Arập qua kênh truyền hình vệ tinh thì mọi hành động cũng khó có thể thành công vì chính phủ cầm quyền tại Dimbabuê sẽ kiểm soát và ổn định tình hình an ninh bằng bàn tay thép với lực lượng an ninh đông đảo, và các đảng phái đối lập thông qua biểu tình sẽ khó có thể thắng lợi.

Hơn nữa, tại Ai Cập và Tuynidi, mạng Internet và di động được sử dụng rộng khắp đã góp phần tích cực trong việc kêu gọi người dân tham gia biểu tình, trong khi tại Dimbabuê chỉ có hơn một nửa số dân sử dụng điện thoại di động và 12% truy cập Internet. Đây là lý do cản trở việc áp dụng công nghệ thông tin kêu gọi người dân đoàn kết tham gia biểu tình.

Một lý do đóng vai trò quan trọng là cảnh sát và quân đội Dimbabuê có nhiều kinh nghiệm trong việc đàn áp và giải tán các cuộc biểu tình do các đảng đối lập tổ chức trước đây. Hồi những năm 1980, quân đội Dimbabuê đã bắn giết hàng nghìn người tham gia biểu tình tại tỉnh Matabeleland.

Các cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử năm 2002 và 2008 của các đảng phái đối lập đã bị chính quyền ra lệnh cho cảnh sát và quân đội thẳng tay đàn áp và giải tán. Hơn nữa, Tổng thống Mugabe luôn duy trì sự trung thành của các quan chức chính phủ bằng cách ban phát các đặc quyền kinh tế lớn, cấp đất thu từ các trang trại của người da trắng cho các tướng lĩnh trung thành với ông ta.


Tại Dimbabuê, đảng Zanu-PF cầm quyền duy trì sự kiểm soát chặt chẽ đối với các thành viên chính phủ và sử dụng sức mạnh của cảnh sát và quân đội để đàn áp các phần tử chống đối, đặc biệt là thẳng tay trừng trị các đối tượng chống đảng Zanu-PF.

Người dân Dimbabuê khó có thể tụ tập thành đám đông trên đường phố, hoặc nếu họ có ý định tụ tập biểu tình thì cũng khó tránh khỏi sự kiểm soát của lực lượng an ninh trung thành với chính phủ.

 Hơn nữa, người dân Dimbabuê từ lâu đã mang tâm lý ngại đối đầu với nhà cầm quyền do các cuộc biểu tình phản đối trước đây luôn bị đàn áp và thẳng tay trừng trị.

TTXVN
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN