Cách làm giàu ở vùng cao Tương Dương

Nhiều mô hình phát triển kinh tế đã triển khai thực hiện ở hầu khắp các thôn, bản của huyện Tương Dương (Nghệ An), góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Đến trung tuần tháng 1/2013, toàn huyện có 292 mô hình nông nghiệp trong đó, có 147 mô hình chăn nuôi, 133 mô hình trồng trọt, 7 mô hình trồng rừng, 5 mô hình nông lâm kết hợp đạt kết quả tốt, tăng thu nhập ổn định cho các hộ dân từ 5 triệu đồng đến 150 triệu đồng/năm.


 

Mô hình phát triển cây mây giống ở xã Yên Hòa, huyện Tương Dương.

 

Có được kết quả như vậy, Ban Thường vụ huyện ủy Tương Dương đã tổ chức triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế cả về số lượng, quy mô. Đặc biệt là sự vào cuộc của cán bộ đảng viên, từ chủ trương mỗi xã có ba cán bộ phụ trách và một thường vụ huyện ủy chỉ đạo một cụm từ 3 đến 4 xã. Điển hình như mô hình trồng ngô lai trên đất dốc tại các xã: Lượng Minh, Tam Hợp, Yên Tĩnh, Nhôn Mai, Nga My, Xiêng My, Yên Hòa, Yên Thắng, Hữu Khuông… với 690 hộ tham gia trên diện tích 70,75 ha, năng suất đạt 48 tạ/ha, sản lượng đạt 339,6 tấn. Thông qua mô hình đã thu hút thêm nhiều hộ thực hiện và tăng diện tích trồng ngô lai từ 2.422 ha năm 2011 lên 2.705 ha năm 2012; mô hình thâm canh lúa nước, với hơn 700 hộ tham gia trên diện tích 41,5 ha, với giống lúa lai Nhị ưu 838, đạt năng suất bình quân 60 tạ/ha. Đây là một trong những mô hình đạt hiệu quả cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, hạn chế phá rừng làm rẫy; mô hình chăn nuôi bò sinh sản tại 11 bản của 4 xã: Yên Tĩnh, Nga My, Xiêng My, Yên Na, với 171 con bò cho 171 hộ, đến nay đã tăng lên 334 con…Với cách làm này, nhiều mô hình đã được bà con tự bỏ vốn xây dựng thành công, có thu nhập từ 50 triệu đồng/năm trở lên như mô hình ông Lô Văn Phải ở bản Lũng (xã Tam Thái) nuôi 18 con lợn rừng, 31 con lợn đen, hơn 1.000 con gà, 11 con bò, 2 ha rừng; mô hình ông Kha Văn Tới ở bản Tam Bông (xã Tam Quang) nuôi 10 con trâu, bò, 70 con lợn, 7 con nhím, 250 m 2 ao, trồng 1 ha rừng…


Thành công bước đầu này là do bà con được hướng dẫn áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa. Mô hình sản xuất tốt có sức lan tỏa, nhân rộng, góp phần làm cho diện mạo nông thôn từng bước khởi sắc, tạo đà xây dựng nông thôn mới tại thôn, bản có đông bà con dân tộc thiểu số.


Tương Dương là một trong ba huyện nghèo của tỉnh Nghệ An. Do địa bàn rộng, địa hình đồi núi dốc, diện tích đất canh tác ít, giao thông đi lại khó khăn, thời tiết khắc nghiệt khiến đời sống bị ảnh hưởng nhiều. Bên cạnh đó, trình độ dân trí thấp, không đồng đều, nhận thức của một số cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và phần lớn nông dân trong việc phát triển kinh tế còn nhiều hạn chế, từ đó dẫn đến khả năng tiếp thu, tiếp cận thông tin về khoa học kỹ thuật chậm. Người dân còn có tư tưởng trông chờ ỉ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa thực sự tự vươn lên để thoát nghèo. Do vậy, tỷ lệ hộ nghèo còn cao chiếm 65,2%.


Bài và ảnh: Viết Hùng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN