Theo tờ "Thời báo Tài chính" (Anh) số ra mới đây, mặc dù đã mang lại nhiều thành công, nhưng giờ đây chính sách kinh tế dựa vào duy trì giá trị đồng nội tệ thấp và lấy xuất khẩu là động lực tăng trưởng đã không còn phù hợp ở các nước đang phát triển.
“Đống tro tàn” của khủng hoảng
Hướng tiếp cận về chính sách kinh tế mà các nước đang phát triển áp dụng hiện nay được hình thành từ "đống tro tàn" của cuộc khủng hoảng 1997 - 1998. Nó đã phá tan những ràng buộc của Đồng thuận Washington vốn chi phối tư duy kinh tế tại các thị trường mới nổi kể từ khi "Bức tường Berlin" sụp đổ.
Lấy xuất khẩu làm động lực tăng trưởng không còn phù hợp ở các nước đang phát triển. Ảnh: Internet |
Đồng thuận Washington là chương trình cải cách kinh tế với 10 chính sách khác nhau do Bộ Tài chính Mỹ, Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra năm 1990 để áp dụng cho những nước bị khủng hoảng phải vay tiền từ các tổ chức này, buộc họ phải cải cách tài chính, mở cửa thị trường tiền tệ, tư nhân hóa... Đồng thuận Washington được coi là nền tảng về tư duy cho tự do hóa thương mại.
Vào thời điểm ban đầu, mô hình này đã gặt hái được một số thành công nhất định, đặc biệt là việc thuần hóa "con ngựa bất kham" lạm phát, nhưng càng ngày lại càng tỏ ra kém hiệu quả trong nhiều lĩnh vực khác. Cách cư xử có phần ích kỷ của các thể chế đa quốc gia trong quá trình tư nhân hóa khiến chính phủ các nước nhanh chóng đi đến một kết luận đanh thép rằng: Đồng thuận Washington chính là hiện thân của chủ nghĩa thực dân kiểu mới, và bắt đầu tẩy chay nó để tránh nguy cơ bị lệ thuộc về tư duy kinh tế.
Sau khủng hoảng tài chính 1997 - 1998, các nền kinh tế mới nổi lần lượt bắt tay vào nghiên cứu một mô hình mới bao gồm 4 yếu tố cơ bản: giá trị đồng nội tệ thấp, lấy xuất khẩu là động lực tăng trưởng, dự trữ USD, và phát triển thị trường vốn đa dạng về nguồn nhưng không phải là USD. Các nước đang phát triển cho rằng mô hình kinh tế mới sẽ giúp họ tránh được nguy cơ lệ thuộc vào Bộ Tài chính Mỹ hay IMF, đồng thời giảm bớt sức ép đối với việc cải cách thể chế.
Tìm mô hình mới
Trong suốt một thập kỷ, mô hình này đã phát huy hiệu quả khá ấn tượng. Hoạt động xuất khẩu bùng nổ, kho dự trữ USD đã khai sinh ra các quỹ đầu tư quốc gia, sự thịnh vượng đã giúp 2 tỷ người thoát khỏi cảnh đói nghèo, một tầng lớp trung lưu mới xuất hiện, và uy tín chính trị của giới lãnh đạo được cải thiện.
Tuy nhiên, vào thời điểm hiện nay, mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và đồng nội tệ rẻ không còn phù hợp. Các nước không thể hạ thêm giá trị đồng nội tệ trong khi sức mua giảm. Tăng trưởng dựa vào xuất khẩu đang bị tê liệt do các nước phát triển tìm cách cân đối tài khoản vãng lai. Và đây chính là thời điểm thích hợp để các nước đang phát triển tìm một mô hình mới.
Đó phải là sự kết hợp giữa Đồng thuận Washington với mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và giá trị nội tệ thấp. Rõ ràng, các nước đang phát triển vẫn phải thả lỏng tỷ giá, duy trì kho dự trữ USD, phát triển thị trường vốn, nhưng nên từ bỏ chính sách giảm giá đồng nội tệ và điều chỉnh cơ cấu xuất khẩu.
Trong một thập kỷ qua, các nền kinh tế mới nổi đã tạo ra những bước ngoặt quan trọng, tuy nhiên, hướng đi sắp tới phụ thuộc nhiều vào khả năng thích ứng và điều chỉnh mô hình tăng trưởng mà không thể tránh khỏi những quyết định khó khăn.
L.P