Tín dụng tăng chủ yếu do hoạt động cho vay để mua nhà tăng từ 3.050 tỷ nhân dân tệ trong năm 2015 lên 5.680 tỷ nhân dân tệ trong năm 2016, dù chính phủ đã ban hành các biện pháp hạ nhiệt thị trường bất động sản. Tuy nhiên, các khoản vay của các các doanh nghiệp và các tổ chức phi tài chính giảm từ 7.380 tỷ nhân dân tệ xuống 6.100 tỷ nhân dân tệ.
Tháng 12/2016, các khoản vay mới ròng bằng đồng nhân dân tệ là 1.040 tỷ nhân dân tệ, cao hơn nhiều mức mà các nhà kinh tế nhận định. Các nhà phân tích tham gia khảo sát của Reuters nhận định lượng cho vay mới sẽ giảm từ mức 794,6 tỷ nhân dân tệ trong tháng 11 xuống 700 tỷ nhân dân tệ.
Theo các tính toán của Reuters dựa trên số liệu của PboC, các khoản cho vay mới trong năm ngoái vượt quy mô kích thích trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Tổng lượng cho vay của năm 2016 tăng 8% so với mức cao kỷ lục trước đó là 11.720 tỷ nhân dân tệ của năm 2015.
Kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng trong khoảng 6,5-7% năm 2016, nhờ nguồn tín dụng dồi dào và chính phủ tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc trong tháng trước đã cam kết kiểm soát bong bóng tài sản trong năm 2017 và dành ưu tiên hơn cho việc ngăn chặn rủi ro tài chính, khi một số chuyên gia tài chính quốc tế cảnh báo nợ của nước này đang ở gần mức gây ra khủng hoảng.
Tổng mức nợ của Trung Quốc đã tăng từ mức tương đương 150% GDP vào cuối năm 2006 lên trên 250% GDP, một tỷ lệ mà nếu ở các nước khác đã gây ra tình trạng vỡ nợ hoặc khiến nền kinh tế giảm tốc mạnh.