Bơm thêm vốn, doanh nghiệp vẫn khó vay

Từ đầu tháng 11/2012 đến hết tháng 1/2013, các ngân hàng thương mại (NHTM) tại TP Hồ Chí Minh sẽ bơm thêm một gói tín dụng khoảng 200.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố vay phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, nhiều DN cho biết nhu cầu vay vốn của DN vẫn không nhiều. Nguyên nhân là chính sách cho vay vẫn không được nới lỏng, trong khi lãi suất cho vay đang có dấu hiệu tăng trở lại.

 

Thúc đẩy cho vay


Tại buổi họp về tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng đầu năm 2012 sáng 28/10, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, cho biết NHNN và các NHTM thành phố vừa thống nhất gói tín dụng khoảng 200.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất hàng hóa cung ứng Tết Nguyên đán, chủ yếu tập trung cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường, doanh nghiệp xuất khẩu và lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, lãi suất cho vay vào khoảng 13%/năm.


 

Làm thủ tục cho khách hàng vay vốn tại Agribank Lạng Sơn.

 

Cũng theo ông Minh, trong 3 tháng vừa qua (từ đầu tháng 7/2012 đến hết tháng 10/2012), các NHTM tại TP Hồ Chí Minh đã cho DN vay 76.494 tỷ đồng; trong đó, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa vay 43.829 tỷ đồng, nông nghiệp nông thôn 12.829 tỷ đồng, doanh nghiệp xuất khẩu 14.900 tỷ đồng và doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ 4.836 tỷ đồng.


Để thúc đẩy cho vay, thời gian gần đây các NHTM liên tục “săn” khách hàng bằng cách gửi email, gọi điện thoại, phát tờ rơi và gửi thư ngỏ đến tận nhà với nhiều lời mời chào khuyến mãi hấp dẫn, lãi suất thấp nhất trong 3 tháng đầu tiên. Thậm chí, một số NH còn triển khai sản phẩm cho vay dành cho các hộ kinh doanh cá thể, như VPBank với “Cho vay hộ kinh doanh bổ sung vốn lưu động trả góp” tại các đơn vị kinh doanh trên toàn hệ thống. Đây là hình thức tài trợ nhu cầu vốn lưu động, nhằm phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng bằng nguồn vốn vay trung hạn. Theo đó, khi tiếp cận và sử dụng sản phẩm, khách hàng sẽ được vay tối đa lên đến 90% tổng số vốn kinh doanh bị thiếu hụt trong kỳ kinh doanh trước đó với phương thức vay vốn, thời hạn vay vốn và hình thức trả nợ đa dạng, linh hoạt.


Tương tự, Ngân hàng ABBank cũng triển khai nhiều gói cho vay sản xuất kinh doanh trả góp, cho vay bổ sung vốn lưu động, cho vay mua/xây sửa nhà, mua xe, tiêu dùng với lãi suất ưu đãi. Đặc biệt, nếu khách hàng vay từ ngày 1/10 - 31/12 sẽ giảm 2% lãi suất cùng nhiều phần quà hấp dẫn, có giá trị từ 1 triệu - 10 triệu đồng/quà tặng. Còn ngân hàng Sacombank đang dự định sẽ triển khai gói cho vay sản xuất kinh doanh mùa Tết, thời gian cho vay là 4 tháng, lãi suất 12%/năm.

 

Doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được


Tuy nhiên, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, cho biết mặc dù những tháng gần đây việc tiếp cận vốn của DN có phần dễ dàng hơn, nhưng chỉ có những DN "khỏe mạnh", chủ yếu là DN nhà nước, mới tiếp cận vốn dễ dàng với lãi suất thấp. Còn các DN nhỏ và vừa đang khó khăn, tài chính không lành mạnh, không có tài sản thế chấp thì ngân hàng vẫn không cho vay, hoặc có cho vay đi nữa thì lại thỏa thuận lãi suất rất cao, từ 15 - 17%.


Mặt khác, cuộc chạy đua thu hút tiền gửi, xé rào tăng lãi suất của các NH hiện nay đã khiến lãi suất cho vay tăng trở lại. Chính điều này đã khiến các DN không mấy mặn mà vay. Thống kê của NHNN tại TP Hồ Chí Minh cho thấy, hiện dư địa để tăng trưởng tín dụng của TP Hồ Chí Minh còn lớn, tính đến 25/10 tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 2,2%, chưa đạt mục tiêu đến cuối năm nay là 8 - 10%.


Trong khi đó, tăng trưởng huy động vốn của hệ thống NHTM cao gấp 10 lần so với tăng trưởng tín dụng. Theo các NHTM, dù thanh khoản đang dồi dào, nhưng NH không thể giảm lãi suất tiết kiệm nhằm giữ chân khách hàng cũ và thu hút nguồn tiết kiệm mới, cho dù tăng trưởng tín dụng của NH đang trong tình trạng âm.


Điều đáng nói, các gói hỗ trợ tín dụng cho DN được NHNN bơm ra trước đây, các NHTM đã giải ngân hết. Thế nhưng, tại một cuộc họp mới đây với Sở Công Thương, nhiều DN đã phản ánh việc ký kết cho vay này thực chất chỉ là đảo nợ, DN không được vay mới. Lý giải việc này, theo một chuyên gia NH, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, các NHTM ngại rủi ro nên có tâm lý ở thế thủ, ngại cho vay mới, vì thế lãi suất những khoản nợ cũ bị đẩy lên để NHTM thu lợi nhuận được đồng nào tốt đồng đó.


Ngoài ra, ông Trần Bửu Long, Phó Giám đốc Quỹ Bảo lãnh tín dụng TP.HCM, cho rằng điều kiện để được xem xét bảo lãnh vay vốn ngắn hạn hay dài hạn là DN phải có dự án đầu tư, có phương án khả thi. DN có hàng tồn kho cao, không có đầu ra thì không thể vay vốn được. Chính vì vậy, tháng đầu của quý 4, rất ít DN đăng ký vay vốn mới. Trong khi đó, từ tháng 9, tháng 10 cho đến hết Tết âm lịch, nhu cầu vốn trong thời gian này vẫn cao hơn gấp 2 - 3 lần so với các tháng khác trong năm.


Theo các chuyên gia, việc huy động ồ ạt nhưng cho vay nhỏ giọt đã làm tắc nghẽn dòng vốn lưu thông, ảnh hưởng đến nền kinh tế. Chưa kể, nếu các NHTM còn tái diễn tình trạng lách trần lãi suất, khả năng lãi suất cho vay không giảm mà còn làm tăng thêm theo xu hướng lạm phát. Như vậy, NHTM cũng không thể tăng trưởng bền vững và an toàn, bởi khi DN ở thế rủi ro trong tương lai, NHTM sẽ phải gánh chịu. Thời điểm này, nếu NHTM nào chấp nhận lợi nhuận giảm, chia sẻ chi phí, cùng DN vượt qua giai đoạn khó khăn mới có cơ hội gia tăng lợi nhuận tín dụng những năm tới.

 


Hải Yên

Bơm thêm vốn, doanh nghiệp vẫn khó vay
Bơm thêm vốn, doanh nghiệp vẫn khó vay

Từ đầu tháng 11/2012 đến hết tháng 1/2013, các ngân hàng thương mại (NHTM) tại TP Hồ Chí Minh sẽ bơm thêm một gói tín dụng khoảng 200.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố vay phục vụ sản xuất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN