Đó là đề xuất của Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố Hồ Chí Minh nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) có thêm khả năng phục hồi, phát triển sản xuất, tránh sa thải công nhân, tạo sự an tâm làm việc cho công nhân, lao động.
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Tổng công ty Dệt may Gia Định. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN |
Theo ông Đỗ Quang Khánh - Phó Giám đốc BHXH thành phố Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 100.000 đơn vị DN đang hoạt động, nhưng chỉ có 45% trong số đó tham gia đóng BHXH cho người lao động. Số nợ BHXH không chốt sổ được chiếm rất nhiều, ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi người lao động.
Dự báo đến hết năm 2012, tình hình kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhiều DN sẽ phải tiếp tục ngừng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất. Một trong nhiều hệ lụy là DN mất khả năng chi trả tiền BHXH.
9 tháng đầu năm 2012, BHXH thành phố Hồ Chí Minh đã khởi kiện 266 DN cố tình chây ỳ nợ BHXH với số tiền hơn 133 tỷ đồng, trong đó thu hồi được gần 39 tỷ đồng. Trên 60% đơn vị nợ chây ỳ, kéo dài đã khắc phục ngay khi nhận được quyết định thanh tra. Các đơn vị không khắc phục chủ yếu trong tình trạng không còn hoạt động.
Trong khi đó, theo Cục Thống kê T.P phố Hồ Chí Minh, 8 tháng đầu năm 2012, thành phố có hơn 16.000 DN ngừng hoạt động. Số người đăng ký thất nghiệp lên đến hơn 107.000 người, (tăng hơn 25.000 người so với cùng kỳ năm 2011). Thành phố đã ban hành quyết định xét hưởng trợ cấp thất nghiệp cho khoảng 84.000 người. Cùng với tình trạng ngừng việc tập thể, trong đó chiếm hơn 50% số vụ xảy ra trong khu vực FDI, nợ đọng, mất khả năng chi trả BHXH là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ tranh chấp lao động.
Trần Xuân Tình