Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam: “Một số yếu tố vĩ mô tốt nhưng không thể vội chủ quan”

Tại họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 4 diễn ra ngày 26/4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam (ảnh) cho biết: “Tình hình kinh tế 4 tháng có chuyển biến tích cực nhưng tốc độ cải thiện còn chậm. Một số yếu tố vĩ mô tốt nhưng không thể chủ quan nói vững chắc. Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra cho năm 2013 rất nặng nề”.


Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, từ kết quả của 4 tháng đầu năm, trước hết, cần tập trung kiềm chế lạm phát, kiểm soát cung tiền, đảm bảo kế hoạch tăng trưởng tín dụng và rải đều ra các tháng còn lại trong năm. Điều hành lãi suất mạnh mẽ hơn để tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Nếu cần thì xem xét quy định trần lãi suất cho vay có mức chênh lệch hợp lý so với lãi suất huy động và tăng cường kiểm tra việc thực hiện. Tiếp tục giữ ổn định tỉ giá, tăng dự trữ ngoại hối.


Trước việc tổng cầu của nền kinh tế sụt giảm, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, cần đẩy mạnh đầu tư từ các nguồn trái phiếu Chính phủ, ngân sách nhà nước, vốn ODA, FDI. Đối với những công trình cấp bách sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, có thể xem xét cho ứng trước vốn. Rà soát lại các dự án ODA, bảo đảm vốn đối ứng và triển khai hiệu quả. Đổi mới môi trường kinh doanh mạnh hơn nữa để tạo điều kiện thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước.


Cũng tại cuộc họp báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo tóm tắt Đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020. Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu tổng thể của đề án đến năm 2020 cơ bản hình thành mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, bảo đảm chất lượng tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.


Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, cần tập trung thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế. Trong đó, đối với tái cơ cấu đầu tư công cần tiếp tục rà soát để chủ động tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Sớm công bố kế hoạch đầu tư trung hạn để các bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai. Đối với tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trong đó, đẩy mạnh cổ phần hóa, cần xem xét việc bán bớt một phần vốn nhà nước ở những doanh nghiệp có quy mô vốn hóa thị trường lớn để có thêm vốn đầu tư cho những công trình, dự án cần thiết.


Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết thêm, về việc thành lập công ty quản lý tài sản quốc gia, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ sớm làm thủ tục thông qua để đưa nghị định đưa công ty này vào hoạt động. Tuy nhiên, việc xử lý nợ xấu là việc mới với nhiều cơ chế đề xuất khá đặc thù, tinh thần của Chính phủ là lắng nghe ý kiến đóng góp để hoàn thiện nhằm góp phần giải quyết nợ xấu không chỉ giữa các ngân hàng mà có tác dụng lan tỏa tới các doanh nghiệp kinh doanh.

Thu Hường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN