Bố trí công tác cho sinh viên tốt nghiệp người dân tộc thiểu số

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, thời gian qua, các tỉnh Tây Nguyên gồm Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng đã có nhiều cố gắng trong việc tiếp nhận, bố trí sinh viên là người dân tộc thiểu số từ nguồn cử tuyển sau khi tốt nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số, nhất là nguồn cán bộ tại chỗ. Nhiều cán bộ đã đáp ứng tốt yêu cầu công tác, trở thành cán bộ chủ chốt, giữ chức vụ lãnh đạo trong các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể, các cơ quan đơn vị trên địa bàn.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với các học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số tiêu biểu. Ảnh: Nguyễn Khang – TTXVN.


Từ năm 2008 trở lại đây, các tỉnh Tây Nguyên đã tiếp nhận, bố trí công tác cho trên 740 em từ nguồn cử tuyển sau khi tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung cấp (đạt 62,31% trong tổng số sinh viên dân tộc thiểu số cử tuyển đã tốt nghiệp) vào các cơ quan, đơn vị; trong đó, tỉnh Kom Tum có 195/334 em, tỉnh Gia Lai 125/168 em, tỉnh Đắk Nông 210/340 em...

Tuy nhiên, các tỉnh Tây Nguyên hiện còn 450 em sau khi tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng hệ cử tuyển chưa bố trí công tác. Các tỉnh Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk là những địa phương có số sinh viên hệ cử tuyển sau khi tốt nghiệp chưa bố trí công tác còn lại nhiều nhất. Các tỉnh trong khu vực nếu không kịp thời bố trí công tác sẽ tạo sự ùn tắc cho những năm tiếp theo, đồng thời gây lãng phí nguồn nhân lực, không phát huy được tính ưu việt của chính sách này.

Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đề nghị các tỉnh trong khu vực chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương điều tra, rà soát sinh viên dân tộc thiểu số hệ cử tuyển tốt nghiệp đã ra trường, số có việc làm (cơ quan công tác), tự xin việc làm, chưa có việc làm để có cơ sở tiếp tục bố trí công tác, sử dụng nguồn đã đào tạo một cách hợp lý.

Các tỉnh Tây Nguyên cũng cần rà soát tình hình sử dụng biên chế hành chính, sự nghiệp tại các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố để có phương án tuyển dụng sớm nhất 450 em đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trong cả nước hệ cử tuyển và có kế hoạch tiếp nhận, bố trí công tác cho các em đang theo học tại các trường tốt nghiệp trong thời gian tới.

Cũng theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, từ năm 2008 trở lại đây các tỉnh Tây Nguyên đã có 1.944 học sinh dân tộc thiểu số thuộc 26 thành phần dân tộc như Êđê, M’nông, Ja Rai, K’ho, Xê Đăng, Bahnar, Jẻ Triêng, Chu Ru, Dao, Cao Lan, Mường, Tày… theo học ở 19 trường đại học, cao đẳng, trung cấp trong cả nước, trong đó có 1.599 em theo học ở các trường đại học (chiếm 82,25%).

Các em đã theo học 36 chuyên ngành đào tạo, như sư phạm (chiếm 22,3%), y khoa, nông, lâm nghiệp (chiếm 21%), kinh tế (chiếm 16%), còn lại là các ngành khác. Các tỉnh Tây Nguyên đã hỗ trợ, đầu tư trên 230 tỷ đồng gồm trợ cấp ăn, ở, đi lại, sách vở, đồ dùng học tập…; bình quân mỗi em từ khi học dự bị đến khi học xong ra trường được hỗ trợ tương đương 115 triệu đồng.


Quang Huy
(TTXVN)
Biểu dương học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số học giỏi
Biểu dương học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số học giỏi

Lễ Biểu dương và trao học bổng tới các học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số đỗ thủ khoa, giành điểm cao đại học, cao đẳng, đoạt giải quốc gia năm học 2012 - 2013 do Ủy ban Dân tộc phối hợp với Thông tấn xã Việt Nam và một số đơn vị khác tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN