'Bộ ba an ninh' Nhà Trắng điều trần về IS

Ngày 11/3, ba quan chức cấp cao nhất phụ trách an ninh quốc gia của Mỹ gồm Ngoại trưởng John Kerry, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Martin Dempsey đã cùng nỗ lực bảo vệ cuộc chiến chống nhóm "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng trong cuộc điều trần chung trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Martin Dempsey (trái), Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter (giữa) và Ngoại trưởng John Kerry. Ảnh: Reuters.


Phóng viên TTXVN tại Mỹ cho biết, trong cuộc điều trần cùng ngày, “bộ ba an ninh” của Nhà Trắng đã ủng hộ việc Tổng thống Barack Obama đề nghị Quốc hội Mỹ trao cho ông quyền sử dụng sức mạnh quân sự trong cuộc chiến chống IS, bất chấp việc nhiều nghị sĩ Dân chủ quan ngại động thái này có thể dẫn tới chiến tranh trên bộ quy mô lớn của Mỹ ở Trung Đông, trong khi phe Cộng hòa nghi ngại chính quyền Obama sẽ không hành động đủ quyết liệt để tiêu diệt nhóm cực đoan này.

Phát biểu tại cuộc điều trần, Ngoại trưởng Kerry cho rằng "nước Mỹ mạnh nhất khi hợp tác cùng nhau" và việc Quốc hội thông qua dự luật do ông chủ Nhà Trắng đưa ra sẽ thể hiện sự đoàn kết của nước Mỹ trong cuộc chiến chống IS.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, Tướng Dempsey, nhấn mạnh trong bối cảnh hiện tại, mọi động thái nhằm truy quét IS đều mang ý nghĩa “tích cực”.

Tuy nhiên, ông cho rằng vẫn tồn tại quan ngại về tương lai hậu IS, về khả năng xây dựng một chính quyền thống nhất tất cả các nhóm sắc tộc tại Iraq nhằm đảm bảo hòa bình ổn định khu vực. Ông còn cho biết giới chức chức Mỹ đang "tích cực thảo luận hình thức hỗ trợ các lực lượng mới tại Syria, một khi chúng hình thành".

Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Carter nhận định cuộc chiến tiêu diệt IS của Mỹ có thể sẽ cần nhiều thời gian hơn thời hạn 3 năm mà Tổng thống Obama đặt ra trong dự luật.

Tuy nhiên, ông cũng khẳng định kế hoạch lần này sẽ không phát động các chiến dịch lâu dài và qui mô lớn trên bộ như hai cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan; thay vào đó, các lực lượng bản địa phải đảm nhận vai trò hiện diện lâu dài cần thiết cho chiến thắng cuối cùng.

Liên quan tới hoạt động của lực lượng chống IS tại Syria, phát biểu với báo giới sau cuộc điều trần, ông chủ Lầu Năm Góc cho rằng Mỹ có nghĩa vụ hỗ trợ các lực lượng ôn hòa tại Syria chủ trương chống IS và đang đứng trước nguy cơ bị chính quyền Syria tấn công.

Bộ trưởng Quốc phòng Carter và Tướng Dempsey đều để ngỏ khả năng, nếu cần thiết, Mỹ sẽ sử dụng sức mạnh quân sự để bảo vệ lực lượng nổi dậy ôn hòa này trước sự tấn công từ Chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.


Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, thượng nghị sĩ Cộng hòa Bob Corker, cho biết ông hy vọng cuộc điều trần này sẽ góp phần khởi động một tiến trình trong đó cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa có thể đạt được đồng thuận trong vấn đề trao quyền cho Tổng thống Obama trong cuộc chiến chống IS.

Trước đó, Tổng thống Obama hôm 11/2 đã đệ trình Quốc hội Mỹ dự luật Quyền Sử dụng Lực lượng Quân sự (AUMF) cho phép sử dụng vũ lực có giới hạn tấn công IS với thời hạn 3 năm. Theo đó, dự luật cho phép tổng thống sử dụng lực lượng đặc biệt và cố vấn quân sự, song không bao gồm việc “sử dụng lực lượng bộ binh lâu dài”.

Tuy nhiên, dự luật trên không giới hạn về mặt địa lý đối với các chiến dịch tấn công IS. Nếu được thông qua, Tổng thống Obama sẽ có được sự chấp thuận chính thức của Quốc hội trong việc sử dụng các lực lượng Mỹ tấn công IS, đồng thời có thể tiến hành tấn công lực lượng phiến quân al-Qaeda ở Yemen và Somalia bằng máy bay không người lái và tên lửa.


TTXVN/Tin tức


 Mỹ lo ngại sự chia rẽ ở Iraq ảnh hưởng liên minh chống IS
Mỹ lo ngại sự chia rẽ ở Iraq ảnh hưởng liên minh chống IS

Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ đã tới Iraq thảo luận vấn đề hợp tác quân sự và diễn biến cuộc chiến chống IS.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN