Bình đẳng việc làm cho người khuyết tật

Kinh tế khó khăn, nhận thức chưa cao, điều kiện đi lại hạn chế… khiến người khuyết tật khó tìm được việc làm phù hợp, ổn định. Để người khuyết tật có thể hòa nhập cộng đồng, xã hội cần phải có sự thay đổi về nhận thức.


Nhiều rào cản


Số người khuyết tật tại TP Hồ Chí Minh chiếm khoảng 1% dân số, trong đó có khoảng 15.000 người khuyết tật đang trong độ tuổi lao động. Mặc dù, hàng năm thành phố có nhiều chính sách, ưu tiên hỗ trợ giới thiệu việc làm cho hàng trăm lao động khuyết tật, song vẫn còn không ít người khuyết tật không có việc làm ổn định.

Người khuyết tật mong muốn được xã hội công nhận năng lực, đối xử như người bình thường (ảnh chụp tại một lớp học trang điểm dành cho người khuyết tật).


Bà Nguyễn Thị Nhung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ - dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật thành phố, cho biết: Người khuyết tật khó khăn khi tìm việc làm, trước hết là vì tình trạng thương tật, dạng tật không thể ráp với điều kiện làm việc nào của doanh nghiệp (DN). Thứ hai, điều kiện làm việc của nhiều DN cũng chưa phù hợp với sức khỏe của người khuyết tật. Nhiều DN có trụ sở tại các cao ốc hoặc vùng ngoại thành, khiến việc đi lại của người khuyết tật gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, mức thu nhập bình quân hiện nay của người lao động khuyết tật chỉ khoảng 2,5 - 3 triệu đồng/tháng, còn khá thấp.


“Vừa qua, để không là cản trở cho kinh doanh sản xuất của DN, đồng thời cũng để có thêm thu nhập, nhiều người khuyết tật tình nguyện làm thêm giờ, tăng ca, tuy nhiên sức khỏe lại không cho phép, hoặc doanh nghiệp cũng không dám để họ làm thêm vì sợ vi phạm Luật Lao động. Theo Luật Lao động, người khuyết tật chỉ làm 7 tiếng/ngày so với bình thường làm 8/ tiếng ngày. Vì vậy, nhiều người khuyết tật dù đã có công việc ổn định hoặc có mong muốn tìm việc làm cũng phải bỏ giữa chừng”, chị Nhung cho biết thêm.


Cũng theo thống kê của Thư viện Khoa học tổng hợp TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ người khuyết tật có nhu cầu lao động, song chưa có việc làm trên cả nước chiếm khoảng 30%. Nguyên nhân do người khuyết tật sức khỏe yếu, lại không được học hành đầy đủ, chỉ khoảng 6% người khuyết tật học hết bậc trung học phổ thông, trên 20% có trình độ trung học cơ sở cho nên cơ hội học nghề, kiếm việc làm của họ gần như không có. Mặt khác, một số DN còn chưa “mặn mà” với việc tuyển dụng người lao động khuyết tật, còn phân biệt đối xử giữa người khuyết tật với người bình thường.


Bà Lê Thiên Hương, cán bộ Liên hiệp hội người khuyết tật Việt Nam cho biết, người khuyết tật ở Việt Nam lại chủ yếu ở vùng nông thôn, cuộc sống còn nhiều khó khăn, vì vậy phần lớn các em khuyết tật chỉ học hết cấp 1, việc học nghề, học đại học chỉ là mơ ước, nên khó tìm việc làm ổn định.


Mặt khác, xuất phát từ nhận thức của DN chưa cao, nên người khuyết tật cũng khó có cơ hội tìm được việc làm. Nhiều DN cho rằng, nhận người khuyết tật thì họ không thể đảm bảo hoàn thành công việc vì sức khỏe yếu và DN chấp nhận đóng phạt chứ không nhận lao động khuyết tật. Cũng có nhiều DN mong muốn nhận người lao động khuyết tật, song do trình độ tay nghề của người khuyết tật chưa cao, thiếu tự tin nên cũng gây khó khăn cho DN.


Cần nâng cao nhận thức


Trong thời gian tới, để người khuyết tật có việc làm ổn định, tự nuôi sống bản thân thì những người tuyển dụng, các cơ quan, ban ngành cũng cần thay đổi cách nhìn nhận đối với họ. Bởi họ không chỉ là đối tượng cần ưu tiên, mà còn là những lao động có năng lực thực sự, có quyền được làm việc, được tôn trọng.


Bà Thiên Hương cho rằng: Điều quan trọng vẫn là phải nâng cao nhận thức, nhận thức của xã hội, cộng đồng đối với người khuyết tật, để tuyên truyền động viên các gia đình cho con em khuyết tật đi học. Vận động các tổ chức quốc tế giúp hỗ trợ xe lăn, đến các trung tâm phục hồi chức năng làm chân nẹp, để các em tự đi học, hoặc bố trí xe đưa đón các em tới trường… để các em có cái chữ học nghề và có việc làm. Đối với DN, phải nâng cao nhận thức cho DN thấy, khi tuyển lao động khuyết tật không phải là làm từ thiện, mà vì năng lực của họ đáp ứng được yêu cầu công việc. Ngoài ra, DN cũng cần tạo điều kiện cho họ hòa nhập tốt hơn.


Còn theo bà Nhung, nhiều người khuyết tật có tinh thần học hỏi rất cao, rất chịu khó làm việc, vì vậy xã hội và cộng đồng nên quan tâm hơn đến việc hỗ trợ cho những hoạt động vì người khuyết tật như: Hỗ trợ nâng cấp trang thiết bị dạy nghề cho các cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật để phù hợp với thị trường lao động để khi ra trường người lao động có kể kết nối ngay với DN. Các ngành chức năng cũng nên hỗ trợ các phương tiện đi lại cho các bạn như xây dựng các lối đi dành cho người khuyết tật, bố trí các tuyến xe buýt… Mặt khác, cũng cần có những chương trình tiếp cận với người khuyết tật ngay tại địa phương để người khuyết tật dễ dàng hòa nhập với cộng đồng, tiếp cận với các cơ hội việc làm.


Bài và ảnh: Hoàng Tuyết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN