Đông đảo học sinh tại Trường Tiểu học bán trú La Pan Tẩn (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) đã nghỉ học ở nhà sau khi có thông tin bảo vệ của trường là ông Đ.V.N thực hiện hành vi dâm ô đối với một số học sinh lớp 4, lớp 5 của trường. Cũng trong tháng 3/2016, sự việc nữ sinh C.T.S.T, học sinh lớp 8 trường THCS Nguyễn Trãi, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang bị thầy giáo D.A.T “chỉ bài tập” bằng cách luồn tay qua nách em, tại buổi dạy thêm môn Anh văn (do vợ thầy dạy) ở nhà thầy khiến cho phụ huynh căm phẫn. Hành động đáng lên án này đã được thầy giáo dạy môn vật lý D.A.T ở Trường THCS Nguyễn Trãi thực hiện nhiều lần, với nhiều nữ sinh. Em C.T.ST. cũng đã phản ánh với ba mẹ nhưng họ phớt lờ nên buộc em phải nhờ bạn chụp hình lại.
Điều đáng buồn là các ban ngành giáo dục địa phương chưa nhìn nhận cái sai, công tác quản lý yếu kém của mình. Việc trường THCS Nguyễn Trãi đã ra quyết định kỷ luật thầy T. với mức độ khiển trách trên cơ sở giảng dạy không tốt làm ảnh hưởng đến uy tín của trường là quá nhẹ, không có tính cầu thị. Rõ ràng qua bức ảnh, ai cũng thấy được thầy đang làm điều gì. Chính các nữ sinh khác cũng nói thầy đã nhiều lần sàm sỡ mình. Cần lưu ý, đây là buổi học thêm Anh văn, trong khi thầy lại là người dạy môn vật lý thì “chỉ bài” cái gì (như lời thầy phân trần)? Mặt khác, thay vì buộc hai học sinh tố giác tự kiểm và tường trình với lí do chụp hình đăng Facebook lung tung, thì nhà trường nên lắng nghe các em, tìm rõ nguồn cơn trước khi kết luận vội vã lúc đầu rằng: “Không có đâu em ơi, mạng tung lên tào lao đó” (bà Hoàng Lệ Quyên, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi nói).
Phụ huynh và học sinh vốn dĩ đã đau đầu với gánh nặng học hành, bạo lực học đường, nay lại thêm việc quấy rối tình dục thì lại càng làm các em hoang mang hơn. Đã đến lúc nhà trường cần thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm của mình, giải quyết sự việc một cách phân minh, bảo vệ và lắng nghe tiếng nói của học trò. Bởi chỉ có sự tương tác mới có thể giúp việc dạy học và học được tốt hơn. Hiện nay, cũng có một số trường đã lập fanpage Facebook để cho học sinh và nhà trường tương tác, phản ánh những cái xấu, góp ý những cái chưa hay. Hành động thiết thực này cần được nhân rộng. Thay vì cấm, phạt các em thì nên cho các em nói. Nếu các em góp ý đúng, thì khen; nói sai thì kỷ luật để đi vào khuôn phép. Còn như cứ dùng cái “quyền sinh quyền sát” để áp đặt, không biết lắng nghe, thì không học sinh nào dám đứng lên tố giác.
Về phần gia đình, nên thường xuyên quan tâm con cái, nhất là những bé gái đang tuổi dậy thì. Đừng thờ ơ khi con nói lên tiếng nói của mình. Phải tìm hiểu rõ sự việc cho tường tận, không nên bàng quan khi con góp ý, cho là con bịa đặt, nói đùa.
Cần thay đổi tư duy cảm tính bằng lý tính. Ở nước ngoài, giáo viên quấy rối tình dục, lạm dụng tình dục học sinh sẽ phải ngồi tù vì phụ huynh thưa kiện tới cùng. Trong khi tại Việt Nam, hành động xấu xa ấy chỉ dừng lại ở mức độ bị nhà trường kỷ luật chứ luật pháp chưa can thiệp. Cha mẹ cần làm quen với luật. Nên kiện những con yêu râu xanh ra trước vành móng ngựa để lấy đó làm gương. Chỉ có thế mới ngăn chặn triệt để hành vi quấy rối tình dục học đường.