Trong các lễ cấp sắc, lễ cầu an của đồng bào dân tộc Dao, giấy bản là một loại giấy không thể thiếu được. Qua đợt điều tra, khảo sát xác định làng nghề truyền thống trên địa bàn toàn tỉnh, Sở Công Thương tỉnh đã xác định làng nghề làm giấy bản của dân tộc Dao ở thôn Thanh Sơn, thị trấn Việt Quang (huyện Bắc Quang) là một làng nghề truyền thống, cần đưa vào quy hoạch để bảo tồn, phát triển.
Sản xuất giấy bản của người Dao ở thôn Thanh Sơn. Ảnh: Hoàng Quang Hùng |
Thôn Thanh Sơn, thị trấn Việt Quang (huyện Bắc Quang) nằm cách trung tâm tỉnh Hà Giang trên 60 km. Toàn thôn có 120 hộ, với 550 khẩu. 100% số hộ là người đồng bào dân tộc Dao (thuộc nhóm Dao đỏ hay còn gọi là Dao đại bản), trong đó trên 90% số hộ làm nghề sản xuất giấy bản truyền thống.
Nghề sản xuất giấy bản của đồng bào dân tộc Dao ở đây được hình thành và phát triển từ năm 1925 đến nay. Giấy được sản xuất từ nguyên liệu chính là cây vầu non và dây leo tạo keo liên kết, sử dụng vôi để ngâm ủ nguyên liệu, sử dụng nước tự nhiên để tráng. Nguồn nguyên liệu làm giấy bản có sẵn từ thiên nhiên và có khả năng tái tạo hàng năm, không gây ô nhiễm môi trường. Nghề làm giấy diễn ra quanh năm, tranh thủ được thời gian nông nhàn của người dân. Theo các già làng kể lại, năm 1920, ông Triệu Dùn Phin, một người con của dân tộc Dao ở thôn Thanh Sơn đã học được nghề làm giấy và truyền cho con cháu trong dòng họ Triệu. Đến năm 1925, nghề bắt đầu phát triển. Đến nay, nghề làm giấy bản đã xuất hiện ở thôn được 87 năm, duy trì theo hình thức cha truyền con nối.
Sản phẩm giấy bản làm ra chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt tâm linh của các dân tộc. Những năm gần đây, nghề làm giấy của dân tộc Dao thôn Thanh Sơn có xu hướng phát triển tốt. Tuy nhiên, hiện nay nghề sản xuất giấy bản ở đây chưa được hỗ trợ phát triển nghề và quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ; công cụ sản xuất do người dân tự chế tạo, làm bằng gỗ, còn thô sơ, chưa giải phóng sức lao động của con người.
Để bảo tồn và phát triển làng nghề sản xuất giấy bản truyền thống của dân tộc Dao, trên cơ sở đề xuất của Hội đồng khoa học công nghệ (KHCN) huyện Bắc Quang, Sở KH&CN Hà Giang đã đưa dự án bảo tồn và phát triển nghề sản xuất giấy bản truyền thống của dân tộc Dao ở thôn Thanh Sơn vào chương trình đề tài, dự án KHCN cấp huyện năm 2012. Tổng kinh phí dự án là 175 triệu đồng, trong đó vốn sự nghiệp KHCN tỉnh hỗ trợ 100 triệu đồng, số còn lại là do các hộ trong thôn đang sản xuất giấy bản đầu tư. Thời gian triển khai thực hiện dự án từ tháng 3/2012 đến tháng 11/2012.
Mục tiêu của dự án là hỗ trợ nhân dân ứng dụng cơ khí hóa vào sản xuất, phát triển bền vững làng nghề truyền thống; hỗ trợ các hộ sản xuất ứng dụng đưa máy công cụ cải tiến vào sản xuất nhằm tăng năng suất, giải phóng một phần sức lao động của con người; tập huấn, chuyển giao ứng dụng KHCN vào hoạt động sản xuất cho các hộ sản xuất; định hướng phát triển bền vững làng nghề truyền thống, gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường.
Được sự quan tâm giúp đỡ và hỗ trợ kinh phí của chương trình KHCN huyện, các hộ tham gia sản xuất giấy bản ở thôn Thanh Sơn đã chuyển hóa một phần từ sản xuất thủ công sang ứng dụng cơ khí hóa cải tiến công cụ trong hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, quy trình chế biến nguyên liệu, phương pháp tráng và bể tráng giấy thì vẫn được bà con dân tộc Dao thực hiện theo phương pháp truyền thống.
Theo anh Triệu Trần Minh (sinh 1978), dân tộc Dao, trưởng thôn Thanh Sơn, là con cháu của dòng họ Triệu Dùn Phin, người đầu tiên học và truyền lại nghề sản xuất giấy bản của dân tộc Dao, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật đã giúp giải phóng sức lao động và tăng năng suất. Như công đoạn làm nát nguyên liệu bằng cách giẫm nát, tốn rất nhiều thời gian mà hiệu quả lao động thấp. Khi sử dụng máy công cụ cải tiến gắn động cơ điện đối với công đoạn làm nát nguyên liệu, đã giúp tiết kiệm nhiều thời gian, tăng năng suất, giải phóng sức lao động của con người. Hay như công đoạn ép, trước đây bà con dân tộc sử dụng công cụ tự chế làm bằng gỗ, cồng kềnh, độ bền thấp, phải thực hiện nhiều thao tác trong quá trình ép, nguy cơ rủi ro cao, nhiều lúc bị đứt dây néo hoặc trượt nêm làm hỏng cả mẻ giấy. Nay bà con sử dụng công cụ cải tiến đối với công đoạn ép, tiết kiệm được nhiều diện tích nhà xưởng, độ bền sản phẩm lại cao, không tiềm ẩn nguy cơ rủi ro. Hơn nữa, quá trình sản xuất thực hiện ít thao tác...
Nghề làm giấy bản của dân tộc Dao thôn Thanh Sơn đã đem lại nguồn thu nhập chính cho người dân. Hiện có gần 100/120 hộ duy trì thường xuyên nghề sản xuất giấy bản. Trung bình mỗi hộ sản xuất trên 80 bục giấy/năm; mỗi bục hiện bà con bán tại thôn 200.000 đồng. Mỗi năm, riêng thu nhập của bà con dân tộc Dao ở thôn Thanh Sơn từ nghề sản xuất giấy bản đã đạt gần 20 triệu đồng/hộ.
Hiện giấy bản của bà con dân tộc Dao ở thôn Thanh Sơn được tiêu thụ rộng khắp tại 11/11 huyện, thành phố của tỉnh Hà Giang và các tỉnh bạn như Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, có rất nhiều tiểu thương tìm đến hộ sản xuất để đặt hàng thu mua, có thời điểm được giá, bà con bán được 300.000 đồng/bục.
Theo ông Hoàng Quang Phùng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang (Hà Giang): Trong thời gian tới, huyện Bắc Quang không chỉ bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống sản xuất giấy bản của dân tộc Dao, mà sẽ huy động mọi nguồn lực để xây dựng thôn Thanh Sơn trở thành làng văn hóa du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái - điểm đến của mỗi du khách khi đến với Hà Giang.
Minh Tâm