Bác sĩ gia đình giúp giảm tải bệnh viện - Bài 2:

Vượt qua tồn tại, khẳng định mô hình mới

Từ năm 1998, Bộ Y tế đã phê duyệt và triển khai Dự án phát triển đào tạo BSGĐ với sự tài trợ bởi một tổ chức quốc tế. Dự án này đã triển khai đào tạo chuyên ngành Y học gia đình tại các trường: Đại học Y Hà Nội, Đại học Y - Dược TP Hồ Chí Minh, Đại học Y Thái Nguyên. Nhưng sau đó, do chưa được quan tâm đúng mức nên hoạt động BSGĐ ở nước ta đến nay vẫn là… mô hình mới với nhiều tồn tại cũ.


Theo Đề án Xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình (BSGĐ), trong giai đoạn 2013 - 2015, Bộ Y tế sẽ triển khai thí điểm 3 mô hình tổ chức BSGĐ gồm: Phòng khám BSGĐ tại khoa khám bệnh của BV đa khoa; phòng khám BSGĐ lồng ghép với trạm y tế xã, phường, thị trấn; phòng khám BSGĐ tư nhân theo cụm dân cư. Vì là đơn vị y tế gần dân nhất nên trong 3 mô hình nêu trên, mô hình phòng khám BSGĐ lồng ghép với trạm y tế (TYT) xã, phường, thị trấn, được đánh giá là rất quan trọng. Ấy thế nhưng, đây lại chính là nơi đang có nhiều vướng mắc nhất trong quá trình triển khai thí điểm mô hình BSGĐ.

Bác sĩ khám và điều trị cho bệnh nhân tại Phòng khám BSGĐ, Bệnh viện quận 10, TP.HCM. Ảnh: Phương Vy -TTXVN


Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về những khó khăn trong quá trình triển khai mô hình BSGĐ, BS Lâm Thị Ngọc Bích, Trưởng TYT phường 10, quận 10, TP Hồ Chí Minh cho biết: “Việc triển khai mô hình BSGĐ tại TYT phường đang gặp một số khó khăn như: Danh mục thuốc BHYT tại tuyến xã/phường thấp, do thiếu trang thiết bị y tế hiện đại nên bệnh nhân tới khám tại TYT xã/phường muốn chiếu chụp hoặc xét nghiệm lại phải lên BV tuyến quận/huyện. Hệ thống kết nối thông tin giữa y tế phường và quận vẫn chưa thống nhất nên khó quản lý hồ sơ bệnh án. Bệnh nhân khi chuyển lên BV quận thường không quay trở lại phường. Không những thế, nhân sự tuyến xã đang rất thiếu, bởi BSGĐ ở TYT lại kiêm nhiệm luôn trưởng trạm và thường rất bận”.

Theo nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế, mạng lưới y tế cơ sở từ tuyến huyện trở xuống sẽ giúp sàng lọc giải quyết được phần lớn các bệnh lý thông thường mà không cần chuyển bệnh nhân lên tuyến trên (khoảng 70%), góp phần quan trọng trong việc giảm quá tải BV. Do đó, việc triển khai tốt mô hình BSGĐ, nhất là tại tuyến xã/phường là một trong những giải pháp căn cơ nhằm giảm tỷ lệ mắc bệnh và số bệnh nhân vượt lên tuyến trên khám chữa bệnh.

Đồng tình với quan điểm này, một trưởng tuyến y tế cơ sở tại quận Đống Đa, Hà Nội, khẳng định: Triển khai mô hình BSGĐ ở các TYT là rất khó, BSGĐ không đơn giản chỉ khám, chữa bệnh là xong mà còn phải thực hiện rất nhiều hoạt động khác như: Hướng dẫn phòng bệnh, phát hiện sớm bệnh cũng như kiểm soát bệnh mãn tính… Trong khi chưa triển khai mô hình BSGĐ thì các cán bộ TYT đã bận tối mắt với hàng chục chương trình y tế, rồi việc trực, đi họp, làm sổ sách, báo cáo…

“Có khi có bệnh nhân tới mà không có BS khám bệnh thì làm sao mà triển khai hiệu quả mô hình BSGĐ tại TYT được. Đó là chưa nói đến chuyện các trang thiết bị y tế chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, nếu chỉ khám bệnh thông qua nghe huyết áp hoặc đưa ra mấy biểu đồ kiểm tra sức khỏe đơn giản thì cũng rất khó giữ chân người bệnh”, nữ trạm trưởng TYT này cho biết.

BS Lê Bắc, Trưởng TYT xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội, cũng cho rằng việc triển khai mô hình BSGĐ đang gặp khó khăn tương tự như giai đoạn mà Hà Nội đã thí điểm năm 2001 - 2008. Đó là những khó khăn về nhân lực, trang thiết bị, cơ chế thanh toán BHYT…

“Để mô hình BSGĐ phát triển thì cần có sự quyết tâm cao độ của các cấp lãnh đạo, phải có những chính sách phù hợp. Tôi đã đi thực tế tại Thừa Thiên - Huế, nơi triển khai rất tốt mô hình BSGĐ cho thấy, người dân đến với TYT lồng ghép mô hình BSGĐ rất đông, tỷ lệ chuyển lên tuyến trên rất thấp vì bệnh nhân tin tưởng vào tay nghề bác sĩ tuyến dưới. Nhưng để có được kết quả đó, ngoài việc cơ sở y tế được xây dựng khang trang, cán bộ được đi học kèm theo nhiều ưu đãi, đầu tư thêm trang thiết bị y tế, mở rộng dịch vụ khám chữa bệnh, các TYT tại Thừa Thiên - Huế còn được áp dụng một cơ chế tài chính linh hoạt, giúp các đơn vị có thêm nguồn thu”, BS Bắc khẳng định.

Trong khi đó, công tác khám chữa bệnh tại TYT xã Dục Tú và không ít TYT khác hiện vẫn chỉ là “khám chay” với máy đo huyết áp, ống nghe và xét nghiệm đường huyết đơn giản. BS Bắc cho biết đã đề nghị được trang bị thêm một số trang thiết bị hiện đại hơn nhằm mở rộng dịch vụ khám chữa bệnh, nhưng đến nay vẫn chưa được cấp trên phê duyệt.

“Việc chuyển bệnh nhân từ mô hình BSGĐ lên tuyến trên cũng còn nhiều khó khăn, tuyến trên cũng chưa quan tâm đến mô hình BSGD, đó là chưa nói đến có nơi còn muốn “giữ” bệnh nhân. Do đó, BSGĐ tuyến dưới thường phải chủ động liên hệ để tìm hiểu cách điều trị và tiếp tục hướng dẫn cho bệnh nhân khi từ tuyến trên trở về”, BS Bắc cho hay.

TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp, Phụ trách bộ môn Y học gia đình, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP Hồ Chí Minh, cho rằng: Để nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình BSGĐ thì các cơ quan chức năng cần sớm giải quyết về vấn đề BHYT, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y tế tuyến xã/phường. Đặc biệt, cần phải tăng cường trang thiết bị y tế cho các trạm y tế phường, xã, chuẩn hóa các xét nghiệm cận lâm sàng, để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người bệnh trong quá trình khám chữa bệnh.

Bên cạnh đó, cần có sự quản lý chặt đối với mô hình BSGĐ bởi nếu không dễ bị biến tướng thành một loại hình khám bệnh dịch vụ. “Để tránh tình trạng tình trạng “bình mới, rượu cũ” thì cần phải có một hệ thống quản lý đồng bộ từ trên xuống dưới như: Hệ thống quản lý bệnh nhân, số lượng BSGĐ đang hoạt động tại bệnh viện, hồ sơ điện tử và hồ sơ quản lý chuyển bệnh nhân lên tuyến trên… Ngoài ra, cần phải có một cơ chế tài chính rõ ràng đối với các đơn vị hoạt động theo mô hình BSGĐ”, TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp nhấn mạnh.

Song Liên - Đan Phương


Bài cuối: Đầu tư cho đào tạo và trang thiết bị


Bác sĩ gia đình giúp giảm tải bệnh viện - Bài 1: Dịch vụ y tế mới
Bác sĩ gia đình giúp giảm tải bệnh viện - Bài 1: Dịch vụ y tế mới

Nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu, giúp các bệnh viện tuyến trên giảm được tình trạng quá tải trầm trọng, từ nay đến năm 2015, Bộ Y tế sẽ xây dựng tối thiểu 80 mô hình Bác sĩ gia đình (BSGĐ) và sẽ tiến tới mở rộng trên toàn quốc vào năm 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN