“Bác sĩ của thôn” Sải Duần

Sau 11 năm làm cán bộ y tế ở thôn Sải Duần, xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, cán bộ y tế Tẩn Láo Khờ đã được người dân trong thôn, từ cụ già tóc bạc đến em nhỏ trìu mến gọi là “ bác sĩ của thôn”. Tẩn Láo Khờ bảo, nghe gọi thế anh cứ ngường ngượng, vì “mình có phải là bác sĩ đâu, làm vì trách nhiệm với dân bản thôi”. Nhưng trên tất cả, anh thấy rất vui, vì đã được bà con tin yêu.


Cán bộ y tế Tẩn Láo Khờ (ngoài cùng, bên trái) đang tư vấn sức khỏe cho bà con.


Thôn Sải Duần nằm cách trung tâm xã Phìn Ngan không xa, nhưng ngày trước cuộc sống của đồng bào Dao đỏ nơi đây như cánh rừng bị sương mù bao phủ, không nhìn thấy ánh mặt trời. Nhiều tập tục lạc hậu vẫn tồn tại, nhất là trong việc khám chữa bệnh. “Trong nhà có người bị ốm là mời thầy cúng về mổ lợn, mổ gà làm lễ để “đuổi con ma trong người” đi. Phụ nữ sắp sinh hoặc khó sinh nở cũng chỉ biết nhờ thầy cúng. Trẻ con không được chăm lo ăn uống, lại sống trong môi trường mất vệ sinh nên em nào cũng bị bệnh giun, suy dinh dưỡng”, Tẩn Láo Khờ cho biết.


Sinh ra và lớn lên ở thôn Sải Duần, tận mắt chứng kiến nỗi khổ của đồng bào, năm 2002, được sự động viên của cán bộ y tế xã, Tẩn Láo Khờ xin đi học lớp nhân viên y tế thôn bản để sau này về chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc mình. Kết thúc lớp học, về bản là Tẩn Láo Khờ bắt tay ngay vào việc. Làm công tác y tế thôn bản ở Sải Duần không thể kể hết nỗi vất vả. Tẩn Láo Khờ tâm sự: “Mới đầu chưa có kinh nghiệm nên tuyên truyền mãi bà con không nghe theo, mình cũng buồn lắm. Bây giờ ai cũng hiểu, cũng nghe theo thì đã tốt hơn rất nhiều rồi”.


Thôn Sải Duần có 37 hộ đồng bào Dao đỏ, từ 2002 đến nay, không có hộ nào sinh con thứ 3 và chỉ còn 2 trẻ nhỏ bị suy dinh dưỡng. Nhiều năm qua, ở thôn không xảy ra dịch bệnh ảnh hưởng tới sức khỏe nhân dân. Nhận thức của đồng bào về việc chăm sóc sức khỏe cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cũng nhờ sự tâm huyết, tận tình với công việc của Tẩn Láo Khờ, nhiều người trong thôn lúc đau ốm đã được đưa đi chữa trị kịp thời, thoát khỏi bệnh hiểm nghèo.


Đứng ở đầu thôn, đưa tay chỉ về núi đỉnh núi mịt mù tít phía xa, cán bộ y tế Tẩn Láo Khờ chia sẻ: Có những buổi sớm mùa đông sương mù dày đặc, mưa rét thấu xương, vậy mà từ 5 giờ sáng anh đã phải một mình đi bộ xuyên rừng trong suốt hai ngày, vượt chặng đường hơn 35 km từ thôn Láo Vàng sang thôn Khu Trù, tới thôn Láo Sáng, qua các thôn Sùng Bang, Sải Duần để tiêm chủng cho trẻ em. Buổi tối, công việc chưa xong, vừa mệt, vừa đói, anh phải nghỉ lại ở thôn Khu Trù, được bà con quý mến nấu cơm mời ăn. “Tình cảm bà con dành cho thật là ấm áp, giúp tôi quên đi mọi mệt nhọc để sáng hôm sau lại khoác hộp thuốc lên đường”, Tẩn Láo Khờ tâm sự.


Lúc chia tay tôi, Tẩn Láo Khờ trăn trở: “Hiện nay, xã đang thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nhưng số hộ trong thôn có nhà vệ sinh kiên cố còn ít lắm. Mình sẽ cố gắng vận động để bà con quan tâm hơn tới vấn đề vệ sinh môi trường nông thôn. Khó mấy cũng phải vận động được. Đó cũng là trách nhiệm của một nhân viên y tế thôn bản như mình”.


Bài và ảnh: Tuấn Ngọc

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN