Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Bùi Đức Hiếu/TTXVN |
Việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn Bắc Kạn đã đảm bảo kịp thời và mang lại nhiều lợi ích. Thực hiện Quyết định số 1210/QĐ-TTg ngày 5/9/2012, Bắc Kạn đã xây mới 8 phòng học văn hóa, 7 phòng học bộ môn; hỗ trợ cơ sở vật chất cho Trường Trung học Phổ thông Chuyên Bắc Kạn với với 16 phòng nội trú, Trường Cao đẳng Cộng đồng Bắc Kạn 26 phòng học mới và một phòng học bộ môn; hoàn thành xây dựng mới Trường Phổ thông Dân tộc nội trú...
Trong giai đoạn 2008-2012, tỉnh thực hiện kiên cố hóa 356 phòng học và 534 phòng công vụ cho giáo viên với tổng kinh phí hơn 187,2 tỷ đồng… Đối với chính sách hỗ trợ trực tiếp với người học tại địa phương, tỉnh đã cấp học bổng chính sách cho hơn 26.750 học sinh với tổng số tiền hơn 99,9 tỷ đồng… Giai đoạn từ 2010 đến năm 2013, tỉnh có 76 học sinh đi học cử tuyển; từ năm 2014 đến nay không tuyển sinh đào tạo theo chế độ cử tuyển…
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đã thảo luận và đưa ra một số kiến nghị, đề xuất nhằm tìm hiểu sâu các nội dung về các mô hình bán trú, nội trú để phù hợp với tỉnh Bắc Kạn; hiệu quả các mô hình giáo dục thường xuyên, mô hình trung tâm học tập cộng đồng có hoạt động; chính sách ưu tiên tuyển dụng đối với người dân tộc thiểu số…
Nhân dịp này, tỉnh Bắc Kạn kiến nghị có chính sách thu hút cán bộ, giáo viên về công tác tại vùng ATK, vùng khó khăn; các trường hợp cử tuyển nên cộng ưu tiên trong tuyển dụng và phải qua thi sát hạch. Tỉnh đề xuất các bộ, ngành chức năng cần có chương trình chuẩn về quy định tiếng dân tộc…
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến biểu dương những kết quả Bắc Kạn đã đạt được trong thực hiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Kết quả giám sát cho thấy, các chính sách được Bắc Kạn tổ chức thực hiện, triển khai nghiêm túc kịp thời, phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương. Mặc dù còn khó khăn, tỉnh đã ban hành một số chỉ thị, nghị quyết, đề án quyết định áp dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả.
Đặc biệt công tác xóa mù chữ, tỉ lệ huy động học sinh đến lớp ở tỉnh đạt cao. Kết quả thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, thi vào Đại học, Cao đẳng đạt khá. Chính sách đối với giáo viên, học sinh được triển khai đầy đủ và phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, Bắc Kạn còn có những hạn chế về cơ sở hạ tầng, chất lượng giáo dục, chất lượng đội ngũ giáo viên còn thấp… cần được quan tâm khắc phục.
Đối với các kiến nghị của tỉnh, Đoàn giám sát sẽ tiếp tục kiến nghị với Đảng và Nhà nước tiếp tục thực hiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi phù hợp với các địa phương. Bắc Kạn cần xem xét, điều chỉnh, thu hẹp các điểm trường, tăng số học sinh bán trú gắn với việc bố trí dân cư. Đồng thời, tỉnh cần bổ sung hoàn thiện báo cáo về phân luồng học sinh, kết quả đạt được so với mục tiêu của đề án tỉnh đã xây dựng...
Trước đó, Đoàn đã tiến hành giám sát tại huyện Ngân Sơn và Ba Bể; thăm và tặng quà 20 hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.