Theo TCHQ, để quản lý tuân thủ đối với các doanh nghiệp XNK, hải quan đã phân loại 3 nhóm doanh nghiệp để phục vụ áp dụng chính sách quản lý hải quan, gồm: Doanh nghiệp ưu tiên, doanh nghiệp tuân thủ; doanh nghiệp không tuân thủ. Từ kết quả đánh giá tuân thủ của doanh nghiệp, cơ quan hải quan tập trung áp dụng biện pháp kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa, phương tiện vận tải của từng nhóm doanh nghiệp.
Vận chuyển tinh bột sắn đã được đóng gói tại Công ty Khoai Mì Tây Ninh. Ảnh minh họa Thanh Tân- TTXVN
|
Trong quá trình làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK tại chỗ, nếu doanh nghiệp tuân thủ và đối tác mua bán hàng hóa cũng là doanh nghiệp tuân thủ có hàng hóa XNK tại chỗ được giao nhận nhiều lần trong một thời hạn nhất định theo một hợp đồng/đơn hàng cùng với người mua hoặc người bán thì được giao nhận hàng hóa trước, khai hải quan sau và cơ quan hải quan chỉ kiểm tra chứng từ liên quan đến việc giao nhận hàng hóa (không kiểm tra thực tế hàng hóa), theo quy định tại Điều 86 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015.
Doanh nghiệp tuân thủ còn được cơ quan hải quan chấp nhận chứng từ bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ thuế do tổ chức tín dụng phát hành; được đưa hàng về bảo quản nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định; được ưu đãi trong việc lựa chọn hồ sơ thuế để áp dụng chế độ kiểm tra trước, hoặc kiểm tra sau khi thực hiện miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế; được giảm mức độ rủi ro khi lựa chọn để kiểm tra toàn bộ hồ sơ quyết toán thuế.
Theo ông Thái, việc áp dụng quản lý tuân thủ đối với doanh nghiệp XNK trong lĩnh vực hải quan sẽ là giải pháp được TCHQ triển khai sâu rộng trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh tốc độ hoạt động XNK gia tăng nhanh trong những năm qua. Đây là áp lực lớn đối với ngành hải quan khi vừa đảm bảo tạo thuận lợi cho hoạt động XNK vừa đảm bảo công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Hện cả nước có khoảng 90.000 doanh nghiệp có hoạt động XNK, trong đó có 60.000 doanh nghiệp có tham gia XNK thường xuyên với lượng tờ khai năm 2015 là 8,3 triệu; 9 tháng của năm 2016 cơ quan hải quan đã tiếp nhận hơn 7 triệu tờ khai.
Theo Nghị quyết 19 của Chính phủ về lộ trình rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới, năm 2016 tối đa 10 ngày đối với hàng hóa xuất khẩu, 12 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu; năm 2020, thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới dưới 36 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 41 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu; giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 30 - 35% hiện nay xuống còn 15% đến hết 2016; bảo đảm cắt giảm tối thiểu 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính. |