Áo trắng sau ánh hào quang của các VĐV

Những tấm huy chương lấp lánh, những bảng thành tích thi đấu sáng chói của các vận động viên Việt Nam tại các đại hội thể thao lớn trong và ngoài nước, đã mang về niềm tự hào cho Tổ quốc. Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau những vinh quang ấy là công sức của cả một tập thể, đặc biệt là những đóng góp âm thầm của đội ngũ bác sỹ thể thao.

Bác sỹ Phạm Đình Vinh (phải) chia sẻ khoảnh khắc chiến thắng với VĐV wushu Nguyễn Mai Phương.

Thi đấu thể thao, nhất là thể thao đỉnh cao, luôn đi kèm với chấn thương. Ở một cường độ vận động mạnh và ở những môn thi đấu mang tính đối kháng, có nhiều va chạm, chấn thương đối với VĐV đã trở thành chuyện… cơm bữa. Chính vì vậy, các bác sỹ thể thao luôn phải vất vả ngày đêm.
Tiếp xúc với các bác sỹ làm công tác điều trị chấn thương cho VĐV, chúng tôi mới thấu hiểu được phần nào những khó khăn, vất vả mang tính đặc thù của công việc này. Đối tượng bệnh nhân rất “đa dạng”, gồm những VĐV ở nhiều môn thi đấu và trình độ khác nhau, từ VĐV nghiệp dư chơi thể thao hàng ngày, cho tới những VĐV đỉnh cao quen mặt trênbáo chí, truyền hình.


Đã có thời gian gắn bó lâu dài với nghề, bác sỹ Nguyễn Văn Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam, chia sẻ: “Về cơ bản, tâm lý của VĐV đã khác với những người bình thường. VĐV càng chuyên nghiệp, có thành tích thi đấu càng cao, thì tâm lý càng phức tạp. Khi VĐV bị chấn thương, diễn biến tâm lý bộc lộ ở thời kỳ cực điểm. Họ hết sức nôn nóng, bực bội, không hài lòng về tình trạng chấn thương và luôn tìm mọi cách để phục hồi thật nhanh. Nhiều người trong số họ thậm chí có biểu hiện chán nản, buông xuôi. Chính vì vậy, ngoài việc nắm vững nghiệp vụ để chăm sóc sức khỏe, điều trị chấn thương cho các VĐV, bác sỹ thể thao đôi khi còn sắm cả vai chuyên gia tâm lý”.


Các bác sỹ thể thao đều hiểu rằng, trước khi vào kỳ thi đấu, các VĐV phải trải qua chế độ tập luyện căng thẳng, họ không tránh khỏi những chấn thương và bị áp lực tâm lý. Lúc này, áp lực lại đặt lên vai các bác sỹ thể thao là làm sao để tiếp cận được tâm lý củaVĐV. Mỗi VĐV có một trạng thái tâm lý, khả năng chịu đựng khác nhau, hệ thống cơ bắp và sức khỏe khác nhau. Chỉ khi nắm được thói quen vận động, thói quen ăn uống, suy nghĩ của VĐV, các bác sỹ mới có thể tiếp cận và chăm sóc sức khỏe cũng như tinh thần cho VĐV. Không chỉ dừng lại ở đó, trước mỗi trận đấu, các bác sỹ còn truyền đạt cho VĐV những nguyên lý thể thao cần thiết (sự tiêu hao, tích lũy, sản sinh ra năng lượng…), đặc biệt là những kinh nghiệm, bí quyết về thể lực trong quá trình thi đấu.


Là người từng nhiều lần theo đoàn thể thao Việt Nam đi thi đấu tại các đại hội thể thao lớn, bác sỹ Phạm Đình Vinh, công tác tại Bệnh viện Thể thao Việt Nam, chia sẻ: “Khi tham dự các giải đấu ở nước ngoài, chúng tôi gặp phải rất nhiều những khó khăn như thời tiết, địa hình, trang thiết bị y tế… Nhưng đối với tôi, việc tiếp cận tâm lý VĐV là điều khó khăn nhất, bởi chúng tôi không có thời gian tiếp xúc, làm quen với VĐV trước khi vào kỳ thi đấu, mà chỉ đến khi ra nước ngoài mới có thời gian tiếp xúc, làm việc với VĐV. Điều này đôi khi cản trở công việc của các bác sỹ rất nhiều”.


Luôn phải đối mặt với những khó khăn như vậy, nên các bác sỹ thể thao đều nỗ lực hết mình vì công việc. Ngoài việc chăm sóc sức khỏe, điều trị chấn thương cho VĐV, họ “mặc nhiên” trở thành điểm tựa vững chắc, luôn theo sát, cổ vũ, động viên tinh thần VĐV khi họ phải xa gia đình, người thân… để họ có được thành tích thi đấu cao nhất.


“Khi VĐV bước vào trận đấu, tất cả những khó khăn lùi lại phía sau. Không chỉ riêng cá nhân VĐV, mà tất cả các thành viên khác của đội cũng khát khao chiến thắng, chỉ mong sao mang được HCV về cho Tổ quốc. Mỗi lần chứng kiến các VĐV đứng trên bục đăng quang, các bác sỹ chúng tôi cũng ôm chầm lấy nhau mà khóc trong niềm sung sướng”, bác sỹ Đình Vinh chia sẻ.


Quỳnh Như

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN