Ngăn chặn các nước khác can thiệp vào cuộc tranh chấp với Pakistan lâu nay là một tiêu chí trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ. New Delhi đã nỗ lực để bảo đảm rằng các bên thứ ba hoặc phải giữ vai trò trung lập, hoặc nghiêng về phía Ấn Độ. Bất cứ sự thông cảm nào đối với Pakistan về vấn đề chủ quyền lãnh thổ của Ấn Độ, tại khu vực Jammu - Kashmir chẳng hạn, thường làm phức tạp quan hệ của Ấn Độ với Trung Quốc, Mỹ, Anh, các nước Tây Âu và các nước Hồi giáo nói chung.
Các quan chức Ấn Độ trở về sau cuộc họp với phía Pakistan nhằm tìm kiếm cơ chế nhằm giảm bớt căng thẳng tại Kashmir ngày 24/12/2013. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tuy nhiên, khi đón Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye tới thăm từ ngày 15/1 và đón Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe làm thượng khách trong lễ kỷ niệm ngày Cộng hòa vào ngày 26/1 tới, New Delhi đứng trước một vấn đề khác, đó là phản ứng trước tình hình căng thẳng về tranh chấp lãnh thổ giữa các nước láng giềng Đông Á của Ấn Độ.
Những tranh chấp liên quan đến tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc tại Biển Đông đang thể hiện căng thẳng giữa Trung Quốc với nhiều nước láng giềng Đông Nam Á. Căng thẳng đã leo thêm một bước trong năm mới khi Trung Quốc tuyên bố: “Tất cả các hoạt động đánh bắt cá của nước ngoài tại Biển Đông phải được phép của Bắc Kinh”. Khi tất cả những bất đồng này tăng lên mức căng thẳng mới, các nước láng giềng của Trung Quốc lo ngại về những hành động quyết đoán của Bắc Kinh nên đang tìm kiếm sự ủng hộ của các bên thứ ba, trong đó có Ấn Độ.
Ấn Độ đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc đồng thời Bắc Kinh dành sự ủng hộ cho Pakistan về vấn đề Kashmir, nên New Delhi dường như nhận thấy họ cần ủng hộ của Tokyo và Manila, những quốc gia đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Trong những bất đồng liên quan đến hai nước bạn bè, chẳng hạn như giữa Nhật Bản với Hàn Quốc hoặc giữa Nga với Nhật, Ấn Độ phải khuyến khích họ có sự thỏa hiệp chính trị. Thế nhưng, chính phủ Liên minh Tiến bộ Thống nhất (UPA) có vẻ bị “tê liệt” mỗi khi các nước châu Á tìm đến Ấn Độ.
Ấn Độ đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc đồng thời Bắc Kinh dành sự ủng hộ cho Pakistan về vấn đề Kashmir, nên New Delhi dường như nhận thấy họ cần ủng hộ của Tokyo và Manila, những quốc gia đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. |
Ấn Độ không có lý do để thể hiện như một yếu tố chọc tức Trung Quốc tại Đông Á, nhưng cũng không thể làm ngơ trước những động thái tranh chấp hàng hải của Trung Quốc. Hướng tiếp cận của Ấn Độ đối với những tranh chấp lãnh thổ tại khu vực Đông Á phải dựa trên những cân nhắc cả về sức mạnh và nguyên tắc, New Delhi phải tính đến bối cảnh lịch sử cụ thể của từng mối tranh chấp, phản đối những tuyên bố chủ quyền trái với luật pháp quốc tế, bảo đảm tự do hàng hải, ngăn chặn bất cứ sự hạn chế nào đối với quyền của Ấn Độ được khai thác các nguồn tài nguyên tại các vùng biển Tây Thái Bình Dương, nhấn mạnh tầm quan trọng của giải pháp hòa bình đối với vấn đề tranh chấp lãnh thổ.
Mặc dù một số lập trường trên đã được Bộ Ngoại giao Ấn Độ nhấn mạnh trong vài năm qua, song New Delhi vẫn do dự trong việc nêu bật những mối lo ngại thực sự của Ấn Độ, có thể do ngại làm “mếch lòng” Bắc Kinh. Thậm chí, sự mâu thuẫn chiến lược của Chính phủ UPA đã ngăn cản Ấn Độ đẩy mạnh hợp tác kinh tế và an ninh với những thế lực khu vực chủ chốt như Hàn Quốc và Nhật Bản. Thời kỳ cầm quyền 10 năm (hai nhiệm kỳ) sắp kết thúc, Chính phủ UPA có cơ hội để tiến hành một số điều chỉnh ngay trong tháng này.
Minh Lý(Theo “The Indian Express”)