500 doanh nghiệp ở An Giang nợ tiền BHXH

Ông Vũ Hoàng Cương, Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh An Giang cho biết, hiện toàn tỉnh có 500 doanh nghiệp nợ BHXH của công nhân lao động hơn 40 tỷ đồng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng quyền lợi người lao động. Trong đó một số doanh nghiệp nợ dây dưa, kéo dài nhiều năm, như Công ty cổ phần Đầu tư Delta AGF (46 lao động, nợ 36 tháng, hơn 2,5 tỷ đồng), Công ty cổ phần An Xuyên (57 lao động, nợ 37 tháng, gần 1,5 tỷ đồng), Công ty cổ phần Bệnh viện Hạnh Phúc (150 lao động, nợ 24 tháng, gần 1,5 tỷ đồng), Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Việt Ngư (54 lao động, nợ 17 tháng, hơn 750 triệu đồng)…


Ngoài các nguyên nhân do người lao động chưa nhận thức đầy đủ về quyền lợi BHXH; nhiều đơn vị kinh tế không nghiêm túc thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, còn nhiều lý do khác như tác động của suy thoái kinh tế, dẫn đến doanh nghiệp khó khăn về tài chính, các quy định về xử phạt hành vi nợ BHXH chưa đủ sức răn đe. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chịu nộp phạt hay cố tình trốn đóng BHXH nhằm chiếm dụng tiền nộp BHXH để làm vốn sản xuất, kinh doanh, giảm giá thành sản phẩm…


Theo ông Vũ Hoàng Cương, Giám đốc BHXH tỉnh An Giang, mặc dù đã nhắc nhở, kiểm tra, thanh tra liên tục, nhưng nhiều đơn vị vẫn cố tình để nợ dây dưa, kéo dài. Sắp tới, tỉnh An Giang sẽ tập trung sàng lọc các đơn vị nợ trên 6 tháng, các đơn vị có biểu hiện trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, các đơn vị thu tiền của người lao động nhưng không nộp vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp… Ngay trong tháng 6/2013, tỉnh tiến hành lập hồ sơ khởi kiện 3 doanh nghiệp và tiếp tục khởi kiện đối với các doanh nghiệp cố tình không đóng bảo hiểm cho công nhân lao động.


Thu Trang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN