1 triệu trẻ cần cứu trợ sau động đất Nepal

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ngày 27/4 cho biết khoảng 1 triệu trẻ em cần được hỗ trợ khẩn cấp sau trận động đất mạnh 7,9 độ richter xảy ra ngày 25/4 ở Nepal. Con số thống kê mới nhất do Bộ Nội vụ Nepal công bố chiều 27/4 cho biết ít nhất 3.726 người đã thiệt mạng, trong đó riêng tại thung lũng Kathmandu là 1.302 người, và 6.515 người bị thương.

Người dân Nepal chạy ra đường sau khi lại xảy ra những dư chấn mới ở Kathmandu ngày 26/4. Ảnh: AFP/TTXVN


Trong một tuyên bố, UNICEF cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh tật khi hàng nghìn trẻ em đang phải sống tạm trong những khu đất trống ở thủ đô Kathmandu sau khi nhiều nhà cửa bị phá hủy trong trận động đất. Tổ chức này nêu rõ do khả năng tiếp cận nguồn nước sạch và hệ thống vệ sinh hạn chế, trẻ em ở Nepal đang có nguy cơ cao bị lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm, trong khi rất nhiều trẻ em rơi vào cảnh mồ côi, không có gia đình.

UNICEF đã huy động nhân viên và triển khai 2 máy bay chở 120 tấn hàng cứu trợ, trong đó có thuốc men và các trang thiết bị y tế, chăn màn và lều bạt, đến Nepal.

Cùng ngày, phát biểu với báo giới, Chánh Văn phòng Nội các Nepal Leela Mani Paudyal đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ quốc gia Nam Á này. Ông Paudyal cho biết hiện vẫn còn hơn 150 nhà leo núi đang bị mắc kẹt ở hai khu trại trên núi Qomolangma.

Nepal đã triển khai máy bay trực thăng và các đội y tế đến khu vực bị ảnh hưởng nhằm giải cứu những người này sớm nhất. Đến nay, số người leo núi bị thiệt mạng do lở tuyết tại núi Qomolangma đã lên tới 18 người, trong đó có 1 người Nhật Bản, số nạn nhân còn lại chưa rõ quốc tịch. Trung Quốc đã quyết định hoãn cuộc leo núi mùa Xuân bên triền phía Bắc của núi Qomolangma ở Tây Tạng (Trung Quốc). Hơn 400 nhà leo núi đến từ hơn 20 quốc gia đã được đưa đến các khu vực an toàn.

Tuyết lở tại khu vực cắm trại trên Núi Everest sau trận động đất. Ảnh: AFP/TTXVN


Tổ chức cứu trợ quốc tế Oxfam cho biết đang tăng cường phân phát nước sạch và các trang thiết bị vệ sinh tới hàng nghìn người rơi vào cảnh vô gia cư ở Nepal. Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cũng thông báo đang chuẩn bị tiến hành chiến dịch cứu trợ quy mô lớn tới Nepal. Hiện các chuyên gia của WFP đã đến Nepal để đánh giá tình hình. Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã phân phát các trang thiết bị y tế đủ để phục vụ 40.000 người trong 3 tháng.


Ngày 27/4, Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla cho biết nước này sẽ hỗ trợ Nepal 1 triệu USD cùng thuốc men, nhân viên y tế, lều bạt, và các trang thiết bị khác. Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi sẽ phối hợp với các cơ quan ngoại giao của nước này tại Kathmandu và Dhaka để chuyển đồ hỗ trợ cho Nepal. Trung Quốc cũng đã triển khai 2 máy bay vận tải IL-76 cùng 55 binh lính đến Nepal để hỗ trợ công tác cứu hộ sau động đất. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng thông báo Seoul sẽ triển khai đội cứu hộ khẩn cấp, gồm khoảng 40 người đến Nepal, cũng như cam kết hỗ trợ quốc gia Nam Á này 1 triệu USD để khắc phục hậu quả động đất.

Trong khi đó, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của công ty dịch vụ tư vấn IHS, có trụ sở tại Colorado (Mỹ), ông Rajiv Biswas nhận định chi phí tái thiết Nepal sau động đất có thể lên tới 5 tỷ USD, chiếm khoảng 20% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.


TTXVN/Tin tức
Nepal trước và sau thảm kịch động đất
Nepal trước và sau thảm kịch động đất

Trận động đất kinh hoàng 7,9 độ richter xảy ra ở Nepal vào ngày 25/4 đã khiến các di tích lịch sử trở thành những đống đổ nát ngổn ngang gạch vụn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN