Ý nghĩa thời đại của bản Tuyên ngôn độc lập

Ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), trước đông đảo nhân dân Thủ đô và các vùng lân cận, thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Với những giá trị cốt lõi về quyền dân tộc và quyền con người, bản Tuyên ngôn độc lập là sự kết tinh cao cả những giá trị nhân văn của nhân loại. Vượt qua thời gian, văn kiện lịch sử này vẫn có sức sống mạnh mẽ, vẹn nguyên ý nghĩa trong thời đại ngày nay.

 

Trước hết, Tuyên ngôn độc lập đã khẳng định quyền dân tộc và quyền con người luôn gắn bó chặt chẽ với nhau. Đó cũng là mục tiêu, lí tưởng mà mọi dân tộc, quốc gia trên thế giới đều hướng đến. Bằng việc luận dẫn những lời bất hủ trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng.

 

Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước CHXHCN Việt Nam). Ảnh: Tư liệu

Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định chân lí: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.


Quyền con người, quyền dân tộc


Nếu như bản tuyên ngôn của nước Mỹ và nước Pháp chỉ đơn thuần đề cập đến quyền con người như một sự tất yếu của tạo hóa thì Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng trí tuệ mẫn tiệp, bằng sự trải nghiệm thực tế và thực tiễn cách mạng Việt Nam đã phát triển sáng tạo, đưa ra một mệnh đề không thể phủ nhận về quyền độc lập của mọi dân tộc. Quyền dân tộc và quyền con người có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau. Dân tộc độc lập là điều kiện tiên quyết để bảo đảm thực hiện quyền con người và ngược lại thực hiện tốt quyền con người chính là phát huy những giá trị cao cả và ý nghĩa thật sự của độc lập dân tộc. Giáo sư Nhật Bản Singô Sibata từng đánh giá: “Cống hiến nổi tiếng của cụ Hồ Chí Minh là ở chỗ đã phát triển quyền con người thành quyền dân tộc”.


Đứng trước những thử thách khắc nghiệt của lịch sử, một dân tộc không biết đấu tranh cho độc lập, tự do thì rõ ràng không xứng đáng được hưởng nền độc lập, tự do. Bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: dân tộc Việt Nam đã trải qua những chặng đường gian lao, đầy máu và nước mắt; nhân dân Việt Nam đã chịu kiếp đọa đày, áp bức dưới gông xiềng của chủ nghĩa thực dân ngót gần trăm năm; non sông Việt Nam đã bị cắt chia thành 3 kỳ bởi mưu đồ tàn độc triệt tiêu sức mạnh tiềm tàng của lòng yêu nước, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân... Từ trong những đêm dài nô lệ, tăm tối, nhân dân Việt Nam đã vùng lên “đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập [..] đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa”.

 

Nền độc lập, tự do mà nhân dân Việt Nam giành lại được “là hoa, là quả của bao nhiêu máu đã đổ và bao nhiêu tính mạng đã hi sinh của những người con anh dũng của dân tộc Việt Nam trong nhà tù, trong trại tập trung trên những hải đảo xa xôi, trên máy chém, trên chiến trường. [...] là kết quả của bao nhiêu hi vọng, gắng sức và tin tưởng của hơn 20 triệu nhân dân Việt Nam”. Những tuyên bố đanh thép trong bản Tuyên ngôn độc lập về quyền độc lập, tự do tất yếu của dân tộc Việt Nam đã “đánh đòn phủ đầu”, đập tan những luận điệu xuyên tạc trong âm mưu tái chiếm Đông Dương của thực dân Pháp và ý đồ can thiệp của các nước đế quốc đối với Việt Nam. Mọi hành vi xâm phạm độc lập, chủ quyền của Việt Nam đều vi phạm luật pháp quốc tế, đi ngược lại với xu hướng phát triển chung của nhân loại tiến bộ. Toàn thể dân tộc Việt Nam “quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.


Bảo vệ chủ quyền và lợi ích dân tộc


Sáu mươi chín năm đã trôi qua nhưng những tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Tuyên ngôn độc lập về sự thống nhất biện chứng giữa quyền dân tộc và quyền con người, về khát vọng và tinh thần đấu tranh kiên quyết để giữ vững nền độc lập tự do vẫn có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục quán triệt, vận dụng và phát triển tư tưởng nhân quyền của Hồ Chí Minh trong công cuộc đổi mới, khẳng định “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân”.

 

Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng chỉ rõ: Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Nhân dân làm chủ; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện. Tôn trọng quyền con người cũng chính là tạo động lực để thúc đẩy sự phát triển của xã hội bởi con người là chủ thể xây dựng và bảo vệ đất nước. Sự kiện Việt Nam được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016 (ngày 12/11/2013) không chỉ thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước ta “coi quyền con người là giá trị và nguyện vọng chung của nhân loại, thể hiện chính sách nhất quán, tôn trọng, bảo đảm quyền con người và chủ trương tăng cường đóng góp và thúc đẩy hợp tác quốc tế của Việt Nam trên lĩnh vực này” mà còn là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát huy dân chủ và bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền của người dân.


Sau gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, an ninh-quốc phòng... Tuy nhiên, đất nước cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, trong đó, theo nhận định của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, “đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp, chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, xung đột sắc tộc, tôn giáo, chạy đua vũ trang, hoạt động can thiệp, lật đổ, khủng bố, tranh chấp lãnh thổ, biển, đảo, tài nguyên và cạnh tranh quyết liệt về lợi ích kinh tế tiếp tục diễn ra phức tạp”; đặc biệt là tình hình xâm phạm và tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đang đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia, độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ.

 

Trong bối cảnh quan hệ quốc tế đa chiều, phức tạp, Đảng ta xác định bảo vệ nền độc lập dân tộc và chủ quyền lãnh thổ cũng đồng nghĩa với việc bảo đảm quyền con người, bảo đảm cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Việt Nam là đất nước yêu chuộng hòa bình đồng thời, như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu trước báo chí quốc tế về Biển Đông: “Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”.

 

Lập trường kiên định của Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo chính là sự nối tiếp và tỏa sáng ý chí kiên cường bất khuất, quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt cho 20 triệu đồng bào tuyên bố trước toàn thể thế giới tại quảng trường Ba Đình lịch sử: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.


Năm tháng sẽ trôi qua nhưng Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vẫn sống mãi trong lòng bao thế hệ con người Việt Nam không chỉ bởi giá trị lịch sử, pháp lí mà còn bởi giá trị nhân văn về quyền con người và quyền dân tộc. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chúng ta trân trọng và phát huy những giá trị của lịch sử để xây dựng hiện tại và hướng tới tương lai.

 

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Viện Lịch sử Đảng

Tuyên ngôn Độc lập - Tầm cao lịch sử hào hùng
Tuyên ngôn Độc lập - Tầm cao lịch sử hào hùng

Sau bao nhiêu máu đã đổ, bao nhiêu phen vùng dậy quật cường, khát vọng dân tộc đã trở thành hiện thực trên sắc thắm cờ đỏ sao vàng Cách mạng Tháng Tám. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, đã ra đời vào ngày này cách đây 69 năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN