Ý kiến trái chiều về giới hạn phạm tội mà luật sư phải tố giác

Chiều 24/5, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tiếp tục thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015. Các đại biểu đã tranh luận sôi nổi về việc trường hợp nào luật sư phải tố giác tội phạm.

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự (BLHS) 2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), liên quan đến quy định không tố giác tội phạm (Điều 19), có ý kiến đề nghị không quy định trách nhiệm hình sự của người bào chữa về hành vi không tố giác tội phạm đối với tội đặc biệt nghiêm trọng (trừ một số tội xâm phạm an ninh quốc gia) để bảo đảm phù hợp với hoạt động hành nghề của luật sư. Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác đề nghị quy định người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi không tố giác tội phạm đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác.

Đại biểu tỉnh Khánh Hòa Đỗ Ngọc Thịnh phát biểu ý kiến. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Tại thảo luận chiều nay, các đại biểu có nhiều ý kiến trái chiều về giới hạn phạm tội mà luật sư phải tố giác. Theo đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa), với các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội đặc biệt nghiêm trọng thì luật sư cũng phải có trách nhiệm tố giác tội phạm. Trong BLHS 2015 đang quy định đến 84 tội như vậy.

"Như vậy là quá nhiều. Không luật sư nào có thể nắm được hết nên có thể sẽ bị tai nạn nghề nghiệp khi không tố giác tội phạm. Tôi đề nghị khoanh lại khoảng 27 tội buộc luật sư phải tố giác tội phạm. Như vậy, còn 57 tội luật sư sẽ không phải tố giác", đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh nói.

Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức bên ngoài hội trường, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cho biết rõ hơn: Những việc luật sư biết được thông tin qua thân chủ của mình, những việc mà thân chủ đã làm rồi thì luật sư phải giữ bí mật thông tin. Nhưng đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội đặc biệt nghiêm trọng thì phải khoanh lại số tội mà luật sư phải tố giác.

"Nếu miễn tất cả thì không phù hợp vì luật sư vẫn phải có trách nhiệm công dân. Ví dụ luật sư nhận thông tin thân chủ tham gia hoạt động khủng bố, đặt bom, hẹn giờ nổ mà không khai báo thì luật sư phải chịu trách nhiệm. Thông lệ quốc tế cũng vậy. Luật sư tại Đức, Nhật cũng phải tố giác một số tội phạm về xâm phạm an ninh quốc gia và tội đặc biệt nghiêm tọng (tội hiếp dâm, cướp giật….)", đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh nêu ý kiến.

Theo ông Thịnh, luật sư cần phải đặt lợi ích nhà nước, cộng đồng lên trên trong một số trường hợp đặc biệt. Còn về cơ bản, luật sư vẫn phải bảo mật thông tin, quyền lợi tốt nhất cho khách hàng. Luật sư phải biết lợi ích nào lớn hơn lợi ích nào.

Còn theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh), điều 19 về tố giác tội phạm đã khiến các luật sư rất hoang mang. Điều này mâu thuẫn Luật Tố tụng hình sự quy định người bào chữa không được tiết lộ thông tin về người bị buộc tội mà mình bào chữa. Hơn nữa, những luật sư đã tố giác thì sau sẽ rất khó hành nghề.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu.

Trong khi đó, phản biện các quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng: Việc viện dẫn các lý do ảnh hưởng đến nghề nghiệp, mối quan hệ với thân chủ... để luật sư không tố giác tội phạm là không phù hợp. Mọi công dân đều có trách nhiệm trung thành với Tổ quốc, bảo vệ lợi ích quốc gia.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, UBTVQH đã xin ý kiến nhân dân về việc miễn mọi trách nhiệm hình sự cho luật sư không tố giác tội phạm. Tuy nhiên không nhận được sự ủng hộ. Tại BLHS 2015, người bào chữa chỉ phải chịu trách nhiệm với một số tội so với hơn 300 tội tại BLHS 1999 trước đây.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa tranh luận: Nếu giao luật sư tố giác tội phạm mà không giới hạn các tội lại thì sẽ làm hỏng mối quan hệ luật sư với thân chủ. Đồng thời, ảnh hưởng đến uy tín nghề nghiệp của luật sư trong xã hội.

Đại biểu Nghĩa đồng ý với ý kiến của đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh là hạn chế lại một số tội danh mà luật sư phải tố giác và áp dụng trong trường hợp hành vi xảy ra rồi, nếu không tố giác thì có thể tiếp tục xảy ra gây nguy hại cho xã hội.

Theo Điều 22 của BLHS năm 1999, bất kể người nào, kể cả người bào chữa (trong đó có luật sư) đều phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tố giác tội phạm đối với tội nghiêm trọng.

BLHS năm 2015 đã thu hẹp đáng kể phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người bào chữa, bảo đảm phù hợp với đặc thù hoạt động bào chữa, theo đó, họ chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi không tố giác tội phạm đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389.

Hoàng Dương/Báo Tin Tức
Bổ sung tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp
Bổ sung tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13đã bổ sung Điều 217a - Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN