Ý kiến cử tri: Hài hòa các giải pháp ứng phó với sạt lở, xâm nhập mặn ở ĐBSCL

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội ngày 4/6, các đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về các vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Chú thích ảnh
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL trao đổi với phóng viên TTXVN. 

Cảnh báo sớm và di dời người dân

Theo dõi phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về vấn đề sụt lún và sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện (quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ), chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, trước tiên chúng ta cần làm rõ sạt lở và sụt lún là hai vấn đề khác nhau do những nguyên nhân khác nhau.

Tất cả các đồng bằng do phù sa bồi đắp tạo nên đều có sụt lún tự nhiên do quá trình nén phù sa mới. Tốc độ lún tự nhiên này chỉ khoảng 3mm/năm. Trước đây khi phù sa còn dồi dào, hàng năm mặt đất được phù sa bồi đắp bù lún tự nhiên. Nay phù sa sông Mê Kông đã giảm và dù còn phù sa thì cũng không vào được hệ thống đê bao khép kín khắp nơi. Tuy nhiên, đây không phải là nguyên nhân chính của sụt lún ở khu vực này mà là do khai thác nước ngầm quá mức và vấn đề này chỉ mới bắt đầu từ khoảng 1991 trở về sau, ngày càng tăng tốc cùng với mức độ gia tăng khai thác nước ngầm.

Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, nguyên nhân đằng sau của việc phụ thuộc vào nước ngầm quá mức là vì nước sông không còn sử dụng được cho sinh hoạt hay công nghiệp vì ô nhiễm. Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những nơi dồi dào nước ngọt nhất thế giới, nhưng chúng ta phải dùng nước ngầm. Đây là một nghịch lý lớn. Sự ô nhiễm đến từ nhiều nguồn, trong đó quan trọng nhất là từ nông nghiệp. Trong một thời gian dài, nền nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long chạy theo sản lượng, sử dụng rất nhiều hóa chất và nhiều công trình can thiệp vào dòng chảy. Đa số sông rạch Đồng bằng sông Cửu Long bị tắc nghẽn không còn thông thoáng nên trở nên tù đọng, trở thành những dòng sông đen không còn sử dụng cho sinh hoạt và công nghiệp được nữa.

Còn nguyên nhân chính của sạt lở bờ sông, bờ biển Đồng bằng sông Cửu Long, theo Thạc sĩ Thiện là do thiếu cát và phù sa (bùn), tức là thiếu hụt chính nguồn vật liệu đã bồi đắp tạo nên đồng bằng này. Lý do của sự thiếu hụt cát và phù sa bởi vì các đập thủy điện thượng nguồn cản trở sự vận chuyển cát và phù sa về phía hạ lưu và do việc khai thác cát diễn ra khắp nơi dọc theo sông Mê Kông, kể cả ở Đồng bằng sông Cửu Long. Thạc sĩ Thiện cho rằng, để giảm sụt lún thì phải giảm sử dụng nước ngầm, mà để giảm sử dụng nước ngầm thì cần phục hồi sông ngòi thông thoáng. Để sông ngòi có thể phục hồi thì cần chuyển hướng nền nông nghiệp từ lượng sang chất, giảm bớt công trình cản trở dòng chảy. Trong tình hình thiếu hụt cát và bùn như thế, sạt lở sẽ còn diễn ra ở Đồng bằng sông Cửu Long trong vài chục năm tới. Để ứng phó với sạt lở, ông Nguyễn Hữu Thiện nêu hai việc cần ưu tiên. Một là cảnh báo sớm và hai là di dời tái định cư ổn định đời sống người dân.

Chú thích ảnh
PGS. TS Lê Anh Tuấn, cố vấn Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) trao đổi với phóng viên TTXVN. 

Giải pháp nào ứng phó với hạn mặn?

Liên quan đến vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, cố vấn Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) cho rằng: Hiện nay có rất nhiều ý kiến khác nhau về các giải pháp công trình và phi công trình để ứng phó với hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Theo Tiến sĩ Tuấn, cần phải có sự kết hợp hài hòa giữa hai giải pháp trên. Trong ngắn hạn thì áp dụng biện pháp phi công trình sẽ thuận lợi hơn và ít tốn kém.

Ví dụ người dân biết năm nay sẽ thiếu nước, mặn xâm nhập nên họ chủ động điều chỉnh lịch thời vụ, xuống giống vụ Đông Xuân 2023 – 2024 sớm hơn để né hạn mặn. Đồng thời, người dân còn sử dụng tiết kiệm nước trong sản xuất, sinh hoạt kết hợp với trữ nước để sử dụng trong gia đình hay cộng đồng cũng như chủ động trang bị các thiết bị đo độ mặn. Đó là giải pháp phi công trình.

Tuy nhiên, ở góc độ lớn hơn như cấp nước sinh hoạt cho một vùng hay điều chỉnh lại lượng nước phân phối cho các khu vực khác nhau, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho rằng cần phải tính đến giải pháp công trình. Giải pháp này khá tốn kém, cần thời gian dài để chuẩn bị và cũng cần phải cân nhắc giữa mặt được cũng như mặt trái của công trình. Do đó, cần có sự phối hợp giữa cả hai giải pháp công trình và phi công trình và ngay cả khi đã có công trình thì giải pháp phi công trình vẫn cần được áp dụng song song, xuyên suốt trong quá trình vận hành.

Theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, trong điều kiện nguồn tài nguyên nước ở Đồng bằng sông Cửu Long bị hạn chế vào mùa khô thì cần phải có sự tính toán ưu tiên nguồn tài nguyên này cho cái nào trước. Trong đó, trước hết phải ưu tiên vấn đề cấp nước sinh hoạt cho người dân bởi vì con người cần nước ngọt để sống chứ không thể nào sống bằng nước mặn được. Ưu tiên số hai là nước ngọt dành cho chăn nuôi, bởi vì gia súc, gia cầm cũng cần nước ngọt như con người, nếu thiếu nước thì vật nuôi có thể chết hoặc giảm năng suất.

Thứ ba là nếu nước ngọt thỏa mãn hai yêu cầu đó rồi mà còn dư nữa thì cần nghĩ đến sản xuất nào mà ít sử dụng nước, chẳng hạn người nông dân có thể chọn các loại cây trồng mà cần ít nước tưới hơn cây lúa để chuyển đổi, hoặc bảo vệ cho các vùng cây ăn trái có giá trị cao như sầu riêng, xoài, chôm chôm… bởi đây là những loại cây nếu bị mặn ảnh hưởng thì phải mất tới 4 – 5 năm mới có thể phục hồi mà trong thời gian đó lại có thể xuất hiện những đợt hạn mặn tiếp theo.

Bài và ảnh: Thanh Liêm (TTXVN)
Việt Nam thuộc nhóm 5 nước dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử
Việt Nam thuộc nhóm 5 nước dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử

Chiều 4/6, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực công thương, gồm: Công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử; giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, thúc đẩy việc thực hiện các FTA và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN