Đây là một sự kiện quan trọng trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của đồng chí Xuân Thủy (2/9/1912 - 2/9/2022), nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng và nguyên Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris (1968 - 1973). Sự kiện nhằm tri ân những đóng góp to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng nói chung, ngành ngoại giao nói riêng, là sự hoạt động khởi đầu hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về Việt Nam (27/1/1973 - 27/1/2023).
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì Tọa đàm. Tham dự Tọa đàm có đại diện lãnh đạo, chuyên gia của các ban, bộ, ngành, địa phương và đại diện gia đình đồng chí Xuân Thủy.
Đồng chí Xuân Thủy tên thật là Nguyễn Trọng Nhâm, sinh ngày 2/9/1912 tại thôn Hòe Thị, xã Phương Canh, tổng Canh, phủ Hoài Đức, nay là phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Là Bộ trưởng Ngoại giao thứ 5 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đồng chí không chỉ là nhà hoạt động chính trị, ngoại giao xuất sắc mà còn là nhà báo, nhà thơ nổi tiếng.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh đồng chí Xuân Thủy là chiến sĩ cách mạng trung kiên, một chính khách tài ba, nhà ngoại giao xuất sắc. Trong suốt sự nghiệp cách mạng vẻ vang của mình, đồng chí Xuân Thủy đã được Trung ương Đảng và Bác Hồ tín nhiệm giao nhiều trọng trách trên nhiều lĩnh vực: từ công tác Mặt trận, Quốc hội, công tác báo chí, tuyên truyền đến công tác đối ngoại. Ở trên cương vị nào, lĩnh vực nào, đồng chí cũng là một tấm gương sáng và có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng.
Đồng chí được đánh giá là người hoạt động xuất sắc trong cả ba “binh chủng”: đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Đồng chí luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, đồng chí Xuân Thủy luôn nhắc nhở cán bộ ngoại giao phải “lấy lợi ích của cách mạng làm cơ sở. Lợi ích của cách mạng là đoàn kết”. Tư tưởng này của đồng chí Xuân Thủy đến nay vẫn còn nguyên giá trị, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng phức tạp, khó lường hiện nay.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định đồng chí Xuân Thủy luôn thể hiện phẩm chất của một nhà ngoại giao sắc sảo, trí tuệ, bản lĩnh, luôn kiên định về đường lối và nguyên tắc, đồng thời linh hoạt, khéo léo về sách lược, cùng phong thái cởi mở, điềm đạm và vững vàng. Đồng chí đã góp phần quan trọng hàng đầu vào thành công vang dội trên mặt trận ngoại giao là Hiệp định Paris năm 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Đây chính là mốc son chói lọi của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Sau này, với tư cách Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban đối ngoại Trung ương Đảng, Trưởng Ban Cán sự Đảng ngoài nước, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, đồng chí Xuân Thủy tiếp tục ghi dấu ấn sâu đậm trong chỉ đạo công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước, công tác dân vận, công tác Đảng ở nước ngoài và đối ngoại nhân dân trong giai đoạn đấu tranh hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội, chống bao vây cấm vận, tạo tiền đề quan trọng cho công cuộc Đổi mới sau này.
Tại Tọa đàm, 6 tham luận và các ý kiến thảo luận đã đi sâu trao đổi, làm rõ thêm về trí tuệ, nhân cách và những đóng góp của đồng chí Xuân Thủy đối với ngành Ngoại giao, từ đó lan tỏa và phát huy hơn nữa truyền thống tốt đẹp của ngành. Các ý kiến cũng làm rõ thêm về tư duy, phong cách, nghệ thuật ngoại giao của đồng chí Xuân Thủy và bài học đối với xử lý đối ngoại ngày nay, nhất là trong quan hệ với các nước lớn, đối tác quan trọng, giữ vững cục diện đối ngoại có lợi cho đất nước trong bối cảnh tình hình quốc tế phức tạp, góp phần thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngoài ra, các đại biểu đưa ra những ý kiến bổ sung để làm rõ thêm chủ đề của Tọa đàm, từ những bài học rút ra trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Xuân Thủy để đi đến những ý tưởng gợi mở cho công tác đối ngoại nói chung và Bộ Ngoại giao nói riêng làm tốt hơn nhiệm vụ của mình trong những năm tới, kế thừa xứng đáng di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà ngoại giao tiền bối, trong đó có Bộ trưởng Xuân Thủy.