Bảo vệ quyền của chủ sở hữu, quyền lợi của người tiêu dùng
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) cho rằng, dự thảo Luật được sửa đổi, bổ sung lần này đã phần lớn giải quyết được những khó khăn, vướng mắc phát sinh về vấn đề sở hữu trí tuệ, thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Sau khi được tiếp thu, chỉnh sửa, dự thảo Luật đã đáp ứng được cơ bản mục tiêu đề ra trong việc sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ, đảm bảo chất lượng, thể chế hóa chủ trương của Đảng, phù hợp với các cam kết quốc tế theo Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA và các điều ước quốc tế khác có liên quan mà Việt Nam là thành viên…
“Đây là một bước tiến lớn trong việc tháo gỡ vướng mắc để các cơ sở nghiên cứu, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ tạo ra từ nghiên cứu khoa học”, đại biểu Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh và đề nghị: Để góp phần hoàn thiện hơn dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Quốc hội rà soát, nghiên cứu để xây dựng được một hệ thống cơ chế giám sát, kiểm soát mang tính liên ngành rõ ràng, không chồng chéo nhằm phòng, chống một cách hiệu quả, triệt để hơn các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Cho rằng cần quy định rõ trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả dành cho người khuyết tật, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) nêu ý kiến: Đây có phải là nghĩa vụ bắt buộc mà điều ước quốc tế yêu cầu cầu quốc gia thành viên phải ràng buộc trách nhiệm của các tổ chức này khi áp dụng ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả dành cho người khuyết tật hay không.
Đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị cần làm rõ thêm các biện pháp cần thiết là gì, có tăng thêm gánh nặng cho các tổ chức hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng người khuyết tật trong việc phải có nguồn lực để thực thi các biện pháp này hay không? Đối với quy định về hồ sơ, cần nghiên cứu bổ sung nội dung trường hợp làm bằng tiếng nước ngoài, phải dịch ra tiếng Việt, phải được công chứng, chứng thực để đảm bảo tính xác thực, đảm bảo việc cấp giấy chứng nhận được thực hiện chính xác, tránh các rủi ro và tranh chấp có thể phát sinh trong quá trình thực hiện Luật trong thực tế.
Cũng nêu ý kiến về trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả dành cho người khuyết tật, đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) ủng hộ việc quy định nội dung này vào dự thảo Luật. Bởi đó là sự thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta và phù hợp với Hiệp ước Marrakesh về giới hạn và ngoại lệ cho trường hợp khuyết tật về khả năng nhìn, đọc chữ in và người khuyết tật khác không có khả năng tiếp cận tác phẩm để đọc theo cách thông thường mà Việt Nam đang chuẩn bị gia nhập. Tuy nhiên, đối với đối tượng là tổ chức đáp ứng điều kiện theo quy định của Chính phủ được hưởng ngoại lệ để hỗ trợ thực hiện việc sao chép, phân phối, chuyển đợt, bản sao các tác phẩm dưới định dạng, dễ tiếp cận.
Liên quan đến đề xuất thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 211 của Luật Sở hữu trí tuệ, đại biểu Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang) tán thành phương án không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và giữ nguyên như Luật hiện hành. Việc áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với tất cả các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là hợp lý vì biện pháp xử lý hành chính, thủ tục đơn giản nhanh, kịp thời ngăn chặn các hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ.
Việc này không những đảm bảo bảo vệ quyền của chủ sở hữu mà còn kịp thời bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, đảm bảo trật tự quản lý hành chính - đại biểu nhấn mạnh và cho biết thêm, việc xử lý hành chính cũng không loại trừ quyền khởi kiện ra tòa theo thủ tục tố tụng dân sự nên vẫn đảm bảo được quyền của các bên có tranh chấp về sở hữu trí tuệ.
Nội luật hóa để phù hợp với thực tiễn của Việt Nam
Giải trình một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu rõ: Rất khó để có định nghĩa chung về tài sản trí tuệ bởi đây là một lĩnh vực rộng, bao gồm tất cả sản phẩm trí tuệ con người tạo ra và mỗi loại sản phẩm trí tuệ có đặc thù và đặc trưng riêng, khác biệt các loại khác. Mặt khác, tài sản trí tuệ được điều chỉnh bởi pháp luật trong các lĩnh vực khác nhau. Pháp luật về sở hữu trí tuệ là một lĩnh vực pháp luật điều chỉnh liên quan đến tài sản trí tuệ. Việc bảo hộ, bảo vệ theo pháp luật sở hữu trí tuệ chỉ có thể thực hiện đối với một số loại sản phẩm trí tuệ nhất định gồm 3 nhóm: Quyền tác giả, quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp đối với giống cây trồng.
Do vậy, việc bổ sung khái niệm "tài sản trí tuệ” rất khó để bảo đảm tính bao quát và cũng chưa đủ cơ sở để đánh giá tác động trong mối quan hệ với các luật có liên quan khác như Bộ luật Dân sự, Luật Giao dịch điện tử, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng…
Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Luật Sở hữu trí tuệ là Luật khó, phức tạp, có tính chuyên môn sâu và liên quan đến nhiều điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trong các lĩnh vực về quyền tác giả, quyền liên quan. Cho nên việc nội luật hóa để phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, không trái với các cam kết quốc tế, tận dụng được các cơ hội mà các hiệp định tự do đem lại để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cũng như thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ của đất nước là một điều phức tạp.
Quá trình nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, cơ quan soạn thảo cùng cơ quan thẩm tra đã phối hợp khảo sát thực tiễn, tổ chức rất nhiều hội thảo, hội nghị để xin ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn cũng như các cơ quan, tổ chức là đối tượng chịu sự tác động của dự thảo luật.
Kết luận Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội đều trên tinh thần xây dựng, có tinh thần trách nhiệm cao. Tất cả những ý kiến, đề xuất đều được Ban Thư ký phiên thảo luận ghi chép đầy đủ. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Ủy ban Pháp luật tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các đơn vị hữu quan tiếp thu, lắng nghe ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự án Luật, trình Quốc hội xem xét như báo cáo.