Đồng thời, sự nguy hại của hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư và kinh doanh… Đây là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo “Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam - Nguy cơ, thách thức và giải pháp” do Tổng Cục quản lý thị trường, Bộ Công Thương và Báo Công Thương tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ngày 19/10.
Nổi cộm hàng giả xuất xứ "ngoại"
Theo thống kê, trong 9 tháng năm 2018, lực lượng quản lý thị trường tiến hành kiểm tra phát hiện 34.733 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính trên 121,3 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm trên 907 tỷ đồng. Đồng thời, mặt hàng thường được làm giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nổi cộm bao gồm: thực phẩm, thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, điện tử…
Đáng chú ý, xuất hiện nhiều vụ việc có quy mô lớn, tính chất nghiêm trọng đã bị điều tra, phát hiện xử lý, các vụ việc này chủ yếu liên quan đến hàng hóa có nguồn gốc nước ngoài thẩm lậu vào thị trường nội địa tiêu thụ. Điển hình có thể kể đến là vụ sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm và thực phẩm chức năng của Công ty TS, vụ kinh doanh lụa tơ tằm của Công ty tập đoàn Khải Silk... Qua đó, cho thấy việc sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là rất đáng báo động.
PGS.TS Đàm Thanh Thế, Ủy viên Ban chỉ đạo 389 quốc gia, kiêm Chánh văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, mặc dù Chính phủ và các Bộ, ngành đã phân công chức năng, nhiệm vụ, địa bàn cụ thể đối với từng cơ quan, lực lượng chức năng, nhưng kết quả quản lý thị trường vẫn chưa tương xứng với tình hình thực tế. Đồng thời, số vụ vi phạm liên quan đến lĩnh vực này vẫn gia tăng hàng năm và ngày càng diễn biến phức tạp về quy mô lẫn số lượng.
Kết quả xử lý chưa phản ánh hết thực tế những vi phạm trên thị trường, việc đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế và khó khăn. Đặc biệt, chưa đáp ứng được mong muốn của các nhà sản xuất, kinh doanh hợp pháp và người tiêu dùng.
Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường, cần nhận diện lại tình hình hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để có những giải pháp hiệu quả hơn. Với khoảng 90% dân số biết hàng giả vẫn dùng, còn doanh nghiệp phát hiện bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhưng vẫn ngại đấu tranh. Trong khi đó, các tem truy xuất, chống hàng giả ... ngày càng kém hiệu quả trước sự phát triển của thị trường thương mại tự do, thương mại điện tử bùng nổ trong bối cảnh mới, công nghệ 4.0.
Với trách nhiệm đấu tranh, để hạn chế được tình trạng vi phạm về hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Tổng Cục Quản lý thị trường đã đưa ra các giải pháp trong thời gian tới như tăng cường các giải pháp giám sát thị trường, chủ động thu thập thông tin, đánh giá thị trường để xây dựng phương án đấu tranh chuyên đề. Bên cạnh đó, kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ cấu, tổ chức, cơ chế thực thi… hướng đến mục tiêu đảm bảo công tác chỉ đạo, điều phối thực thi đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại hiệu quả hơn trong tình hình mới.
“Về phía Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cam kết luôn sẵn sàng tiếp nhận thông tin liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả… thông qua đường dây nóng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Đồng thời, tiếp nhận những đề xuất, kiến nghị của các lực lượng chức năng nhằm nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ”, đại diện Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho hay.
Phát huy vai trò phối hợp
Đấu tranh phòng chống nạn hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là vấn đề không chỉ của lực lượng chức năng hay doanh nghiệp mà đòi hỏi sự tham gia của toàn xã hội. Để nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các lực lượng thực thi trong công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, cần đổi mới phối hợp; trong đó, các lực lượng chức năng cần xác định rõ vai trò của từng lực lượng.
Theo kinh nghiệm từ thực tiễn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cho thấy, vai trò tham gia của doanh nghiệp - chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ trong thực thi là rất quan trọng.
Do đó, ông Nguyễn Văn Bách, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh đề xuất, sự liên kết, phối hợp giữa các nhà sản xuất trong đấu tranh chống hàng giả cần tích cực hơn nữa. Doanh nghiệp không được buông lỏng trong quản lý, giám sát tiêu thụ hàng hoá của mình, không nên coi việc chống hàng giả là của các cơ quan thực thi pháp luật.
Các doanh nghiệp phải xác định quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nói riêng và quyền sở hữu trí tuệ nói chung là một quyền tài sản được Nhà nước bảo hộ và đây là một loại tài sản vô hình. Trong nền kinh tế thị trường, nhãn hiệu được bảo hộ có giá trị to lớn đối với doanh nghiệp và trong một số doanh nghiệp thì giá trị nhãn hiệu của doanh nghiệp thậm trí còn lớn hơn rất nhiều so với tài sản hữu hình của doanh nghiệp hiện có.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Phương Sơn, Giám đốc đối ngoại AMWAY Việt Nam cho hay, công tác tuyên truyền, giáo dục người tiêu dùng về nâng cao cảnh giác với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc. Đặc biệt là những mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm… đóng vai trò quan trọng. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, hỗ trợ doanh nghiệp xử lý khi phát hiện vi phạm cũng như có giải pháp xử phạt mang tính răn đe cao hơn để tránh tình trạng tái phạm.
Tương tự, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thép miền Nam - VNSTEEL cho biết, nhiều năm nay doanh nghiệp đã bảo vệ thương hiệu thông qua nhóm giải pháp marketing và bán hàng. Cụ thể, VNSTEEL đã ký kết hợp đồng độc quyền với nhà phân phối, tổ chức mạng lưới phân phối độc quyền trong chuỗi nhằm đồng nhất về nhận diện thương hiệu, giúp người tiêu dùng phân biệt hàng chính hãng. Ngoài ra, công ty còn chủ động thực hiện phòng vệ thương mại và thiết lập quyền quyền sở hữu trí tuệ.
Liên quan đến xử lý hình sự hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, ông Nguyễn Phương Minh, Cục Sở hữu trí tuệ nhấn mạnh, cần thiết lập một thể chế mang tính chuyên nghiệp nằm trong hệ thống Toà án nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động xét xử là cần thiết và kịp thời. Đồng thời, trong giai đoạn hiện nay khi sự tham gia của Toà án trong hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ còn rất khiêm tốn thì việc thay đổi sẽ không tạo ra bất kỳ một biến động có hại nào, mà còn thúc đẩy giải quyết của các Toà án Việt Nam trong lĩnh vực xử lý các vụ việc như nhãn hiệu, cạnh tranh không lành mạnh, bản quyền... có tính chất “sở hữu trí tuệ”.
Mặt khác, muốn giải quyết vấn nạn sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, nhất là hàng giả nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam hiện nay, đại diện Quản lý thị trường tỉnh Long An cho rằng, phải tăng cường giải pháp tuyên truyền phổ biến luật pháp về tác hại của việc sử dụng, sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, nâng cao nhận thức của cả người sản xuất và người tiêu dùng. Song song đó, là các biện pháp chế tài, xử lý về luật pháp, về kinh tế, về dân sự, hành chính đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng hóa do nước ngoài sản xuất nhập lậu vào Việt Nam.