Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song vẫn còn những tồn tại như: việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông sản, thủy sản; sử dụng phụ gia thực phẩm trong chế biến thực phẩm; giết mổ không đảm bảo an toàn thực phẩm...
Phó Thủ tướng lưu ý, các bộ, ngành trong thời gian tới cần tăng cường hơn nữa các biện pháp răn đe, xử lý, đưa ra xét xử nghiêm đối với những sai phạm đã rõ ràng. Song song với việc tập trung truyền thông mạnh, chỉ rõ những hành vi vi phạm an toàn thực phẩm và xử lý nghiêm, phải nâng cao chất lượng nông sản, thực phẩm xuất khẩu để tất cả người dân Việt Nam được tiêu thụ thực phẩm sạch, an toàn như hàng xuất khẩu.
Các bộ, ngành tiếp tục tăng cường phối hợp, khẩn trương đưa nhanh hệ thống báo cáo trực tuyến thông tin an toàn thực phẩm để cập nhật, tổng hợp, chia sẻ dữ liệu nhanh chóng, kịp thời; đồng thời, tập trung thanh tra, kiểm tra, tiêu hủy các sản phẩm mất an toàn thực phẩm.
Đối với việc xử lý tình trạng quảng cáo sản phẩm thực phẩm tràn lan trên mạng, đặc biệt là thực phẩm chức năng, bảo vệ sức khỏe, Phó Thủ tướng cho rằng cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin liên quan đến giao dịch điện tử, quảng cáo trên mạng, có công cụ quét tất cả các sản phẩm, so sánh với danh sách sản phẩm được cấp phép, nếu có vi phạm thì cảnh báo và xử lý ngay.
“Bộ Thông tin và Truyền thông cần kiên quyết xử lý dứt điểm đối với trang web giả mạo; phát triển công cụ bằng tin học, sẽ quét công cụ ấy trên mạng, tất cả các sản phẩm quảng cáo bán trên sàn điện tử. Cái nào đã đăng ký, kiểm định theo tiêu chuẩn, sau đó bằng tuyên truyền và khuyến nghị mọi người mua. Chỉ có bằng cách đó, nếu đòi hỏi các phương án siết chặt điều kiện kinh doanh không được", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, công tác an toàn thực phẩm trong 6 tháng đầu năm 2019 có nhiều kết quả tích cực. Nổi bật là việc thanh, kiểm tra được triển khai đồng bộ, quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, có sự vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng có liên quan. Việc xử lý vi phạm nghiêm minh hơn, số tiền xử phạt đã tăng lên nhiều lần so với trước. Năng lực của các đoàn thanh, kiểm tra được nâng lên đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm với nhiều hình thức khác nhau, đảm bảo đúng pháp luật, được công khai kịp thời trên phương tiện thông tin đại chúng giúp người dân có thông tin để lựa chọn thực phẩm an toàn.
Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm 2019, qua kiểm tra 347.503 cơ sở trên toàn quốc đã phát hiện 56.816 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, đã xử lý 9.717 cơ sở (chiếm 17.01% số cơ sở vi phạm), trong đó phạt tiền 8.409 cơ sở với số tiền phạt trên 24,2 tỷ đồng. Bên cạnh việc thanh, kiểm tra theo kế hoạch, các bộ, ngành đã tiến hành nhiều đợt thanh, kiểm tra đột xuất theo chuyên ngành, đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, như Bộ Y tế xử phạt hành chính 38 cơ sở với 54 hành vi vi phạm, tổng số tiền phạt gần 2,4 tỷ đồng. Lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 3.256 vụ, xử lý 2.103 vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm, xử phạt vi phạm hành chính hơn 6,1 tỷ đồng, trị giá tang vật thu giữ hơn 9,6 tỷ đồng.
Cũng theo đánh giá của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, vẫn còn nhiều tồn tại trong công tác an toàn thực phẩm. Nổi lên là việc xử lý dứt điểm một số tồn tại như lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông sản, thủy sản; sử dụng phụ gia thực phẩm trong chế biến thực phẩm; giết mổ không đảm bảo an toàn thực phẩm... còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Tình hình buôn lậu thực phẩm qua biên giới còn diễn biến phức tạp. Thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về chất lượng, hết hạn sử dụng… chưa được kiểm soát chặt chẽ, đang có nguy cơ đưa vào tiêu thụ tại các chợ truyền thống vùng sâu, vùng xa. Tình trạng làm giả giấy tờ của cơ quan tổ chức về lĩnh vực thực phẩm được các đối tượng thực hiện rất tinh vi, các cơ quan chức năng khó kiểm soát.
Việc quản lý quảng cáo trên mạng xã hội (facebook, youtube…), trang thông tin điện tử có tên miền từ nước ngoài gặp nhiều khó khăn trong quản lý nội dung quảng cáo, không xác định được chủ thể quảng cáo vi phạm và không có cơ sở để xử lý vi phạm. Đặc biệt, một số website chủ thể đặt máy chủ tại nước ngoài nên cơ quan quản lý nhà nước khó kiểm soát, xử lý…