Xóa bỏ dự án kém hiệu quả trong đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025

Ngày 24/7, thảo luận ở tổ về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, một số đại biểu Quốc hội đồng tình với những giải pháp mà Chính phủ đưa ra nhưng để thực hiện hiệu quả kế hoạch này thì cần xoá bỏ những dự án “xin - cho", kiên quyết loại bỏ dự án kém hiệu quả.

Kiên quyết loại bỏ với dự án xin - cho, kém hiệu quả

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV, ngày 24/7, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; Báo cáo thẩm tra về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; thảo luận ở tổ về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Trình bày Tờ trình về tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhiệm kỳ 2016 - 2021 Nguyễn Chí Dũng cho biết, thể chế, chính sách về đầu tư công được hình thành, ngày càng hoàn thiện, tạo khung khổ pháp lý, nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Tuy nhiên, một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về đầu tư công điều chỉnh chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn. Do đó, kế hoạch trong giai đoạn 2021-2025 cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ, hiện đại, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, vùng động lực, vùng khó khăn, khu vực chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh, thiên tai; kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư manh mún, dàn trải, phân tán, lãng phí, kém hiệu quả; xóa bỏ cơ chế ”xin cho”, tham nhũng, lợi ích nhóm và các hạn chế, bất cập.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội các tỉnh An Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau, Đồng Nai và thành phố Cần Thơ thảo luận tại tổ. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thảo luận ở tổ, đại biểu Đặng Thuần Phong (đoàn Cần Thơ) nhấn mạnh: “Phải triệt để khắc phục tình trạng có những dự án chưa có chủ trương phê duyệt đầu tư nhưng vẫn khởi công, sau đó được đưa vào danh mục các dự án đầu tư. Xin nhấn mạnh là dự án chưa hề được phê duyệt. Đây là vấn đề mà nhiều địa phương gặp phải nhưng chưa nói ra vì sợ ảnh hưởng đến các danh mục đầu tư khác. Điều đó cho thấy ở đây vẫn còn có những chỗ chưa minh bạch, vẫn còn chuyện “xin - cho"…”.

Clip đại biểu Đặng Thuần Phong phát biểu: 

Đại biểu Đặng Thuần Phong đặt câu hỏi rằng, nếu để tồn tại vấn đề này thì không thể tập trung nguồn lực đầu tư cho dự án mũi nhọn.

Đề ra giải pháp kịp thời, đại biểu Đặng Thuần Phong cho biết: “Cần lựa chọn những dự án mang tính chiến lược, có sức tác động cả vùng kinh tế. Những dự án đã hoàn thành 70 - 80% thì cần tiếp tục tập trung hoàn thiện, phát huy”.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, không thể có cơ chế “xin - cho" vì sẽ làm cho các dự án khác không thể triển khai và không có nguồn lực. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, nếu ở giai đoạn 2016 - 2021, trong 11.000 dự án thì có hơn 4.000 là dự án mới, còn lại là từ giai đoạn trước chuyển sang. Ở giai đoạn 2021 - 2025, với những dự án nào của giai đoạn trước cần hoàn thiện phải sớm hoàn chỉnh. Như thế dự án mới vào có khả năng thực hiện được. Số dự án ở giai đoạn này giảm xuống còn khoảng 5.000 dự án.  

Khuyến khích đầu tư xã hội  

Trong phiên thảo luận ở tổ ngày 24/7, nhiều đại biểu đánh giá kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 có nhiều điểm mới, đặc biệt được gói gọn còn khoảng 5.000 dự án không dàn trải. Trong đó tập trung lấy nguồn vốn đầu tư công làm “vốn mồi” cho các nguồn lực xã hội khác cùng tham gia.

Đại biểu Lê Quân (đoàn Cà Mau) đề nghị một số giải pháp quan trọng trong quá trình triển khai một số dự án đầu tư công trong thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ có thể nghiên cứu chuyển sang đầu tư công tư.  

Clip đại biểu Lê Quân phát biểu:

Lý giải điều này, đại biểu Lê Quân cho biết: “Trong nhiều lĩnh vực dự án đầu tư công, số vốn đưa vào trong kế hoạch giải quyết một phần công trình, dự án, nhiệm vụ. Nếu làm dự án, tìm được nhà đầu tư, theo đối tác công tư phải có vốn đối ứng. Trong quá trình tìm kiếm triển khai mà có thể tìm được nhà đầu tư chiến lược, những đối tác xã hội hoá thì chuyển đổi hình thức 100% đầu tư công; cho phép chuyển đổi dự án đầu tư công theo luật sẽ có hiệu ứng tốt. Chỉ cần 1 đồng từ đầu tư công là đã thu hút một số đông của xã hội. Điều đó giúp dự án thực hiện tốt hơn”.  

Đại biểu Lê Quân cũng nhấn mạnh vào dự án của Đại học Quốc gia Hà Nội ở Hoà Lạc. Tiến độ giải ngân dự án là 10%, việc giải phóng mặt bằng gần xong. Lần này, dự án của Đại học Quốc gia Hà Nội được đưa ra trong kế hoạch đầu tư công trung hạn với mức đầu tư 4.000 tỷ đồng trong 5 năm. Có một số hạng mục như ký túc xá sinh viên được đưa ra mức đầu tư hơn 400 tỷ đồng.

Đánh giá về hạng mục này, đại biểu Lê Quân cho rằng, đây là đất sạch để đầu tư công, có thể huy động được 1.000 - 2.000 tỷ đồng. Một số công trình dịch vụ bổ trợ đi kèm như khu nhà hàng, giải trí… Nếu danh mục đưa vào thì phải xin điều chỉnh, khi đó chuyển sang đầu tư công - tư.  

Theo đại biểu Lê Quân, không chỉ riêng dự án của Đại học Quốc gia Hà Nội mà còn nhiều dự án khác cũng áp dụng được như thế, tăng tính hiệu quả.

“Một vốn đầu tư công nhưng thêm 2 - 3 vốn xã hội sẽ giải quyết được hệ sinh thái chung. Từ đó có thể mở cơ chế với các dự án khác… Vì nếu theo tiến độ của một dự án thông thường thì thủ tục giải ngân phải mất 2 năm”, đại biểu Lê Quân cho biết.  

Trên thực tế, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét tập trung cho các công trình quan trọng, các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn, để tạo sự lan tỏa, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, các dự án có tính chất liên kết vùng, liên kết địa phương để tạo sự đột phá, thu hút đầu tư xã hội… 

Bài, clip: Lê Vân/Báo Tin tức
Ngày 24/7, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kế hoạch đầu tư công trung hạn và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Ngày 24/7, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kế hoạch đầu tư công trung hạn và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Theo chương trình kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, ngày 24/7, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường và ở tổ về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN