Xây dựng Vân Đồn thành khu hành chính đặc biệt

Ngày 20/3, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh bàn về đề án thí điểm xây dựng Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn và Khu cửa khẩu tự do Móng Cái.


Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Quảng Ninh khi nghiên cứu xây dựng đề án cần dựa trên nguyên tắc xây dựng khu hành chính, kinh tế đặc biệt phải đủ sức cạnh tranh toàn cầu. Quảng Ninh cần phối hợp các bộ, ngành rà soát, hoàn chỉnh đề án trước khi trình Trung ương. Trung ương sẽ tạo mọi điều kiện về các cơ chế, chính sách về tài chính, ngân hàng, đất đai... để phát triển Móng Cái ở các lĩnh vực thương mại, du lịch dịch vụ, công nghiệp, hướng thị trường nước ngoài, cạnh tranh toàn cầu.


Tuy nhiên, Quảng Ninh cũng cần tính toán đến các vấn đề về môi trường, an ninh trật tự trong đề án. Phó Thủ tướng yêu cầu Quảng Ninh cần phải đổi mới, quyết liệt, dám nghĩ dám làm, sớm hoàn thiện quy hoạch, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư...


Theo đề án do Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Phạm Minh Chính trình bày: Khu kinh tế đặc biệt Vân Đồn có các nét đổi mới là một cấp hành chính trực thuộc tỉnh, có quyền tự quản cao, có quyền ban hành một số văn bản có tính chất đặc thù để điều chỉnh các quan hệ xã hội phù hợp trong khu. Chính quyền Khu tổ chức theo mô hình chính quyền đô thị một cấp, được gọi là ủy ban hành chính khu, không tổ chức hội đồng nhân dân huyện, xã, thị trấn. Người đứng đầu cơ quan hành chính là bí thư đồng thời là chủ tịch ủy ban hành chính.


Khu kinh tế tự do Móng Cái có cơ chế, chính sách về thương mại, xuất nhập khẩu... khác biệt có khả năng cạnh tranh toàn cầu; Phát triển khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái trở thành trung tâm thương mại, du lịch, cảng biển, là điểm kết nối giao thương hàng hóa - dịch vụ - du lịch của Việt Nam với các nước Đông Bắc Á, Đông Nam Á, đầu mối của hành lang kinh tế Hà Nội - Lạng Sơn - Nam Ninh, Hà Nội - Móng Cái và vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ; khai thác phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế cạnh tranh để khu kinh tế tự do trở thành động lực phát triển mạnh của Quảng Ninh và của vùng Đông Bắc.


Dự toán, tổng vốn đầu tư xây dựng hai khu hành chính - kinh tế này từ nay đến 2025 vào khoảng 17 tỷ USD, trong đó nguồn vốn từ ngân sách chiếm 20% và 80% vốn nước ngoài.



Văn Đức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN