Tham dự buổi gặp mặt có lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, lãnh đạo và đại diện các tầng lớp nhân dân thị xã Quảng Trị.
Đọc diễn văn tại buổi gặp mặt, Bí thư Thị ủy Quảng Trị Văn Ngọc Lãm chia sẻ, trong 81 ngày đêm, từ ngày 28/6 - 16/9 của mùa Hè “đỏ lửa” năm 1972, Thành cổ Quảng Trị và thị xã Quảng Trị phải oằn mình hứng 328.000 tấn bom đạn, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống Hirosima của Nhật Bản năm 1945, trung bình mỗi chiến sỹ phải gánh chịu 100 tấn bom, 200 đạn pháo của địch.
Âm mưu và bom đạn của kẻ thù không thể khuất phục được ý chí đồng bào, chiến sỹ của ta. Với lòng quả cảm và ý chí “gang thép”, các chiến sỹ bám trụ kiên cường trong từng trận địa, quyết bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, bảo vệ thị xã đến hơi thở cuối cùng.
Đánh giá sự kiện này, Tổng Bí thư Lê Duẩn chỉ rõ: “Chúng ta chịu được không phải chúng ta gang thép, vì gang thép cũng chảy với bom đạn của chúng, mà chính chúng ta là con người, con người thực sự, con người Việt Nam với truyền thống 4.000 năm đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trước Tổ quốc, trước thời đại”.
Tròn nửa thế kỷ đã đi qua nhưng ký ức của một thời hoa lửa hào hùng vẫn vẹn nguyên trong tâm khảm của quân và dân Quảng Trị, cùng đồng bào, chiến sỹ cả nước. Đó là hình ảnh những cán bộ, đảng viên hoạt động nội tuyến đã diệt tề trừ gian, tổ chức cho nhân dân đấu tranh đòi địch phải bán lương thực, thực phẩm và cứu chữa cho người bị thương do bom đạn Mỹ gây ra. Đó là hình ảnh những thanh niên tuổi mười tám, đôi mươi của miền Bắc ruột thịt nghe tiếng "Tổ quốc gọi tên mình" đã xếp bút nghiên, tạm biệt giảng đường đại học với bao mơ ước cháy bỏng của tuổi xuân xanh, "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" xông pha vào chiến trường Quảng Trị, lập nên chiến công hiển hách.
Chiến công bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đã ghi vào lịch sử cách mạng Việt Nam, là bản hùng ca về tinh thần quả cảm, xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của quân, dân Quảng Trị và cả nước, góp phần đánh bại Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh", làm thất bại mưu đồ đàm phán trên thế mạnh của Mỹ, buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam. Cùng với thắng lợi “Điện Biên Phủ trên không” tại Hà Nội và trên một số chiến trường khác, chiến thắng này đã tạo đà cho cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng nhấn mạnh, 50 năm đã đi qua, cuộc sống luôn hướng về phía trước nhưng những dấu son về một thời đấu tranh anh dũng vẫn không hề phai nhạt trong ký ức của mỗi người dân Việt Nam nói chung, người dân tỉnh Quảng Trị và thị xã Quảng Trị nói riêng.
Phát huy truyền thống cách mạng kiên cường từ sau ngày đất nước thống nhất, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Quảng Trị đã nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa phía Nam của tỉnh.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của thị xã đạt mức khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội được tăng cường; tiềm năng, thế mạnh từng bước được phát huy. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo tiếp tục được quan tâm đầu tư và phát triển; công tác bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo được thực hiện tốt; công tác chăm sóc người có công với cách mạng, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được đặc biệt chú trọng.
Bước vào giai đoạn phát triển mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Quảng Trị cần kế thừa những thành tựu đã đạt được trong các giai đoạn trước, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tăng cường đoàn kết nhất trí, chung sức chung lòng, năng động, sáng tạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển kinh tế, xã hội nhanh và bền vững hơn.
Đặc biệt, thị xã Quảng Trị cần phát huy tiềm năng, tận dụng lợi thế của địa phương để phát triển du lịch theo chiều sâu, có chất lượng, hiệu quả, thu hút du khách đến với những di sản văn hóa chiến tranh cách mạng phong phú, xây dựng và khai thác thương hiệu du lịch hòa bình, gắn với du lịch hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội. Hướng đến xây dựng thị xã Quảng Trị thành đô thị mang biểu tượng của hòa bình, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của vùng "đất thiêng" từng chịu nhiều hi sinh mất mát. Đó cũng là sự tri ân của thế hệ hôm nay với những người đã ngã xuống trên mảnh đất này.