Tham dự có đại diện lãnh đạo một số tổ chức chính trị - xã hội; các vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Hội đồng tư vấn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam một số tỉnh, thành phố, tổ tự quản ở cơ sở.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho biết: Thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6, khóa XII về "Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Bộ Chính trị đã ban hành Kế hoạch số 07- KH/TW thực hiện “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, trong đó giao nhiệm vụ cho Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo xây dựng “Đề án thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố trên phạm vi cả nước”; các tỉnh ủy, thành ủy sơ kết và tiếp tục thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố.
Thời gian qua, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đã phối hợp với Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triển khai nghiên cứu xây dựng Đề án. Đề án được kết cấu làm 4 phần với các nội dung như: Sự cần thiết, phạm vi, nội dung và căn cứ xây dựng Đề án; thực trạng về tổ chức và hoạt động tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố; quan điểm, nguyên tắc tổ chức hoạt động, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố...
Trên cơ sở dự thảo nội dung của Đề án, các đại biểu tham dự Hội nghị đã thảo luận, trao đổi nhằm bổ sung thêm những căn cứ lý luận và thực tiễn để xây dựng các mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố; làm rõ những ưu điểm, hạn chế trong tổ chức thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư giai đoạn hiện nay; vấn đề xây dựng nguyên tắc tổ chức và hoạt động của mô hình tự quản; mối quan hệ mô hình tự quản với các chủ thể ở thôn, tổ dân phố... Từ đó, các đại biểu cũng đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động mô hình tự quản, góp phần giúp cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở nâng cao chất lượng quản lý xã hội.
Góp ý vào đề án, ông Đỗ Duy Thường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, trong thời gian tới, cần xây dựng thành một cơ chế chính sách pháp luật cho hình thức tự quản ở cộng đồng dân cư: “Cần xác định mối quan hệ giữa mô hình tự quản với trưởng thôn, tổ dân phố, Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư, với các tổ chức chính trị - xã hội. Cùng với đó là quyền, trách nhiệm của tổ chức tự quản, của chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể đối với tổ chức và hoạt động tự quản ở cộng đồng dân cư", ông Đỗ Duy Thường đề xuất.
Theo ông Lê Truyền, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hoạt động tự quản chính là quá trình mở rộng dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở để thực hiện các nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước đặt ra. Mô hình tự quản là hoạt động của dân, do đó cần nhấn mạnh vai trò của nhân dân, trên tinh thần khuyến khích, tạo điều kiện cho nhân dân làm những việc mà pháp luật không cấm. Bên cạnh đó, việc thực hiện Đề án phải gắn với yêu cầu Mặt trận chủ trì, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.
Từ thực tiễn công tác tại cơ sở, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hưng Yên Lê Quang Toản kiến nghị: Đối với hoạt động của các mô hình tự quản phải có sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền và trực tiếp là sự lãnh đạo của UBND cấp xã. Việc hình thành các mô hình tự quản phải xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, mang lại lợi ích cho nhân dân để người dân đồng thuận, hưởng ứng. Quá trình hoạt động của các mô hình cần có sự triển khai bài bản, cụ thể, xác định đoàn thể nào phụ trách, chủ trì thực hiện để tránh sự chồng chéo.
Thay mặt Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trân trọng cảm ơn những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu, khẳng định Ban Chỉ đạo và Tổ biên tập sẽ tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện Đề án trình Ban Bí thư vào tháng 12/2021.
Ông Đỗ Văn Chiến cho biết, xuất phát từ thực tiễn, Ban Bí thư đã giao cho Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để xây dựng Đề án. Ban Bí thư sẽ căn cứ vào kết luận của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan chức năng để ban hành kết luận theo đúng tinh thần mô hình tự quản do nhân dân, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, đáp ứng những nhu cầu chính đáng trên tinh thần phục vụ nhân dân.
Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề cập đến vai trò của Mặt trận trong việc thực hiện chủ trương dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng; xác định rõ hơn vai trò Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội là nòng cốt để nhân dân làm chủ. Bởi vậy, việc thực hiện mô hình tự quản là một bước để phát huy dân chủ trực tiếp: "Để xây dựng thế trận lòng dân vững chắc thì phải bắt nguồn từ cơ sở”, ông Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.
Cùng với đó, các giải pháp thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy dân chủ đi đôi với kỷ cương. Các nguyên tắc tự nguyện, tự quản cần phát huy tối đa dân chủ, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân song vẫn phải đảm bảo có sự quản lý của Nhà nước.