Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Hua Hin, Thái Lan, diễn ra trong ngày 13 và 14/8 đã kết thúc tốt đẹp với việc các bộ trưởng tập trung thảo luận về hai nội dung chính: định hướng tương lai của ASEAN giai đoạn sau 2015 và việc thúc đẩy quan hệ ASEAN - Trung Quốc nhân kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác chiến lược.
Các bộ trưởng tham gia hội nghị. |
Đoàn Việt Nam đã có những ý kiến đóng góp quan trọng tại hội nghị, trong đó cho rằng ASEAN cần phải đoàn kết để tiếp tục xây dựng thành một cộng đồng gắn kết về chính trị, hợp tác chặt chẽ về kinh tế và chia sẻ trách nhiệm xã hội. Những điều này sẽ góp phần để ASEAN cùng phát triển và phát huy vai trò trung tâm khu vực của mình, đặc biệt trong vấn đề liên quan tới hoà bình, an ninh và phát triển thịnh vượng.
Vào lúc kết thúc hội nghị Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh đã trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN thường trú tại Thái Lan như sau:
* Xin Thứ trưởng cho biết tại hội nghị này các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã thảo luận và nhất trí về những vấn đề gì?
- Từ ngày 13-14/8, tại Hua Hin, các Bộ trưởng Ngoại giao đã họp phiên họp hẹp bàn hai vấn đề chính: Làm sao để tăng cường hơn nữa việc xây dựng cộng đồng ASEAN, xây dựng tầm nhìn cho ASEAN phát triển mạnh mẽ và vững chắc sau 2015; Thảo luận các vấn đề chuẩn bị cho hội nghị đặc biệt ASEAN - Trung Quốc ở Bắc Kinh vào cuối tháng 8, nhân dịp kỷ niệm 10 quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên.
Về chủ đề thứ nhất, các bộ trưởng đều nhất trí rằng ASEAN đã tiến được một chặng đường dài trong việc xây dựng cộng đồng và phát huy vai trò chủ đạo của mình ở khu vực cũng như trên nhiều vấn đề toàn cầu. Từ nay đến 2015, ASEAN vẫn phải tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa các tiêu chí xây dựng cộng đồng ở cả cấp độ quốc gia và khu vực. Nhưng để ASEAN phát triển mạnh mẽ hơn nữa, ASEAN phải xây dựng một tầm nhìn dài hơi, vượt sau năm 2015.
Các bộ trưởng đã chia sẻ những ý kiến về việc làm sao để ASEAN tiếp tục xây dựng cộng đồng, liên kết và kết nối ngày càng cao hơn, đồng thời ASEAN cần tiếp tục phát huy vai trò chủ đạo của mình trong việc bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển trong khu vực. Ngoài ra, ASEAN cũng cần chủ động đóng góp vào các vấn đề chung của quốc tế dựa trên cơ sở Tuyên bố Bali 2011 về một ASEAN trong cộng đồng các quốc gia toàn cầu.
ASEAN cũng cần tăng cường hơn nữa hiệu quả hoạt động và sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức của mình, trong đó chú trọng nâng cao vai trò của Ban Thư ký ASEAN để đảm nhận các mục tiêu mà ASEAN đặt ra từ nay tới 2015 và xa hơn nữa.
Về chủ đề thứ hai chuẩn bị cho kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc, các bộ trưởng khẳng định quan hệ ASEAN-Trung Quốc thời gian qua đã phát triển nhanh chóng, toàn diện trên các lĩnh vực chính trị-an ninh, kinh tế và hợp tác chuyên ngành, mang lại lợi ích chung cho cả ASEAN và Trung Quốc, đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng trong khu vực. Quan hệ thương mại ASEAN-Trung Quốc đã phát triển vượt bậc trong 10 năm qua, đạt gần 400 tỷ USD so với mức ban đầu là 100 tỷ USD.
Trong lĩnh vực chính trị an ninh, ASEAN và Trung Quốc đã đạt được một văn kiện quan trọng là Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông năm 2002 (DOC). Năm 2012, hai bên đã thông qua tuyên bố chung cấp cao giữa ASEAN và Trung Quốc kỷ niệm 10 năm tuyên bố DOC. Các bộ trưởng khẳng định coi trọng quan quan hệ ASEAN và Trung Quốc, tiếp tục phát triển mối quan hệ này lên một tầm cao mới.
Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cũng nhận thấy rằng trong quan hệ ASEAN-Trung Quốc vẫn tồn tại vấn đề Biển Đông, nên hai bên cần quyết tâm thực hiện cho được những thỏa thuận và cam kết được đặt ra như giải quyết tranh chấp thông qua biện pháp hòa bình và luật pháp quốc tế. Hai bên cũng cần sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) song song với việc thực hiện DOC.
* Đoàn Việt Nam đã có những đóng góp như thế nào tại hội nghị lần này?
- Đoàn Việt Nam, do Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu, đã có những đóng góp tích cực tại hội nghị. Bộ trưởng cho rằng ASEAN cần phải tiếp tục đoàn kết, liên kết để xây dựng thành một cộng động gắn kết về chính trị, liên kết chặt chẽ về kinh tế và chia sẻ trách nhiệm xã hội để ASEAN cùng phát triển thịnh vượng và phát huy vai trò trung tâm khu vực.
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam đã chia sẻ các định hướng cho việc ASEAN phát triển từ nay tới 2015 và những thập kỷ tiếp theo. Bộ trưởng nhấn mạnh các nội dung có tính nguyên tắc khi xây dựng Tầm nhìn sau 2015 phải dựa trên thành tựu của quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN 2009-2015 trên ba trụ cột là chính trị an ninh, kinh tế và văn hóa xã hội.
Các biện pháp trong định hướng cần hướng tới việc đưa liên kết của hiệp hội lên một tầm cao mới với mức độ liên kết, hợp tác sâu rộng hơn cả về chính trị, kinh tế và văn hóa xã hội, trên tinh thần bảo đảm giữ vững các nguyên tắc cơ bản của ASEAN, nhất là nguyên tắc “đồng thuận”, tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực và thúc đẩy việc xây dựng, chia sẻ và phát huy các giá trị, chuẩn mực chung của hiệp hội lên tầm khu vực và thúc đẩy nâng cao cuộc sống, hướng tới người dân.
Bộ trưởng cũng đề xuất thực hiện một số bước triển khai cụ thể phục vụ xây dựng định hướng như tiến hành kiểm điểm thực hiện Kế hoạch tổng thể Cộng đồng chính trị an ninh, sớm hoàn tất kiểm điểm đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch tổng thể Cộng đồng văn hóa xã hội và Cộng đồng Kinh tế ASEAN; tiến hành dự báo, đánh giá tổng quát về ASEAN khi Cộng đồng ASEAN ra đời vào năm 2015 để qua đó xác định mặt mạnh, yếu của hiệp hội.
Về quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc, Bộ trưởng đã ghi nhận những thành tựu và sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên trong 10 năm qua, nhấn mạnh sự cần thiết nâng quan hệ hai bên lên một tầm cao mới, trên cơ sở quan hệ hữu nghị, láng giềng thân thiện và cùng có lợi.
Bộ trưởng cũng đề xuất một số biện pháp thúc đẩy quan hệ như: thực hiện đầy đủ và hiệu quả Kế hoạch hành động ASEAN-Trung Quốc 2011-2015, đề nghị phía Trung Quốc tập trung hỗ trợ các ưu tiên của ASEAN như xây dựng cộng đồng, kết nối khu vực, hội nhập và thu hẹp khoảng cách phát triển; tăng cường các cơ chế, công cụ hợp tác sẵn có, như Hiệp định mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc, Hội chợ thương mại ASEAN-Trung Quốc, Trung tâm ASEAN-Trung Quốc; tăng cường liên kết trong các lĩnh vực giao lưu nhân dân, trao đổi văn hóa.
Về vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh tầm quan trọng duy trì môi trường hòa bình, an ninh, ổn định tại Biển Đông; giải quyết hòa bình các tranh chấp, tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS); đồng thời khẳng định lại cam kết các bên thực hiện đầy đủ, hiệu quả mọi khía cạnh của Tuyên bố DOC; khẳng định sự cần thiết của việc sớm hoàn tất Bộ quy tắc ửng xử COC.
Xin cảm ơn Thứ trưởng.
Tin, ảnh: Hà Linh(P/v TTXVN tại Thái Lan)