“Chuyển đổi sang kinh tế thị trường, đòi hỏi Chính Phủ cũng phải thay đổi nhiều mặt để thích ứng”. Đó là nhận định của TS. Nguyễn Đình Cung, Quyền Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế TƯ tại buổi báo cáo nghiên cứu “Hỗ trợ xây dựng tầm nhìn Chính phủ và lộ trình thực hiện” do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước và Công ty tư vấn quốc tế SKL/PAI tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 24/10.
Việt Nam đang ở "ngã tư" của quá trình phát triển, hơn 30 mươi năm phát triển, Việt Nam đã được bạn bè quốc tế đánh giá cao khi tăng trưởng kinh tế nhanh và ổn định với tốc độ trung bình đạt 7,3%/năm; đặc biệt, mức thu nhập 100 USD/người/năm nay đã tăng lên 1.500 USD. Việt Nam thành một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Thị trường có sự chuyển động theo hướng tích cực khi thực hiện đồng thời tự do hóa thị trường trong nước và hội nhập với nước ngoài.
Tuy nhiên, công cuộc cải cách chưa đạt được kết quả như mong muốn.Ví dụ chưa kiểm soát được chi ngân sách thường xuyên; Cải cách hành chính một cửa vẫn còn nhiều điều phải làm; Thiếu quản lý và giám sát các hoạt động của doanh nghiệp nhà nước...
Theo bà Trần Thị Thu Hương, Phó trưởng ban thể chế kinh tế, Viện quản lý kinh tế Trung ương, có hai nguyên nhân cốt lõi dẫn đến tình trạng trên. Thứ nhất, cải cách thể chế còn nhiều vướng mắc; do thiếu sức mạnh tổng hợp trong các chính sách cải cách.
Để khắc phục tình trạng trên, Chính phủ cần tập trung vào những vấn đề cụ thể sau: Thứ nhất, cải thiện hiệu quả đầu tư của ngân sách nhà nước, với khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn giữ vai trò quan trọng và khu vực doanh nghiệp tư nhân mạnh lên. Thứ hai, chú trọng cung cấp dich vụ công hiệu quả và hiệu lực hơn; giám sát nhằm giảm mức độ tham nhũng. Thứ ba, xây dựng bộ máy Chính phủ gọn nhẹ nhưng hiệu quả.
Hoàng Tuyết